Người Hà Nội thường mua nhà trong khả năng tài chính sẵn có thay vì lựa chọn những bất động sản vượt quá khả năng chi trả. Thói quen này thể hiện tư tưởng an toàn của người Hà Nội...
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, để nói về sự khác biệt giữa thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM trước hết cần phải nói đến thói quen tiêu dùng của người miền Bắc và miền Nam. Trong khi người miền Bắc thường có xu hướng mua nhà để làm tài sản lâu dài thì các doanh nghiệp và nhà đầu tư miền Nam thường có thói quen kinh doanh và tiêu dùng thoáng hơn.
Để dẫn chứng, ông cho biết, nếu như 10 năm trước người Sài Gòn đã quen với việc vay vốn ngân hàng mua nhà thì ở Hà Nội không có mấy khách hàng mua nhà ngay lập tức có nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính.
Theo ông, người Hà Nội thường mua nhà trong khả năng tài chính sẵn có thay vì lựa chọn những bất động sản vượt quá khả năng chi trả. Thói quen này thể hiện tư tưởng an toàn của người Hà Nội và mới chỉ thay đổi trong vài năm gần đây khi khách hàng mua nhà đã hiểu hơn về đòn bẩy tài chính, về lợi ích của việc vay ngân hàng để mua nhà và cách sử dụng vốn vay một cách hiệu quả.
Một ví dụ khác là tư tưởng không đánh giá cao nhà chung cư của người Hà Nội trong những năm trước đây. Cách đây 5-10 năm, khách hàng miền Bắc chỉ biết đến 2 khái niệm sản phẩm trên thị trường là “nhà liền thổ” (bất động sản có tài sản gắn liền với đất) và nhà tập thể. Và đương nhiên, họ có tư tưởng ưu ái nhà liền thổ hơn.
"Phải mất một thời gian dài để khách hàng Thủ đô làm quen và hiểu giá trị của mô hình chung cư, đặc biệt là chung cư cao cấp. Đó là lý do trong suốt một thời gian dài, thị trường Hà Nội chỉ tập trung phát triển các dự án thấp tầng và phân khúc căn hộ chỉ thực sự nở rộ trong 4 năm trở lại đây. Trái lại, thị trường nhà ở tại TP.HCM lâu nay vẫn phát triển song song phân khúc thấp tầng và cao tầng. Thực tế này một phần là do quan niệm tân tiến hơn của khách hàng trong Nam và ngày càng có nhiều các thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam lựa chọn TP.HCM là điểm đến đầu tiên thay vì Hà Nội”, ông Hiển nói.
Ông Dương Đức Hiển - người cầm micro, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội phát biểu ý kiến tại một hội thảo do BizLIVE tổ chức.
|
Theo ông Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, là một thành phố lớn và nhộn nhịp, trung tâm thu hút được nhiều vốn đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam và có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước, TP.HCM có lợi thế để thị trường nhà ở luôn đi đầu trong một số xu hướng, ví dụ như mở rộng đầu tư đến những khu vực mới trên địa bàn thành phố, đổi mới cải tiến sản phẩm kết hợp với các tiện ích để đáp ứng nhu cầu của người ở, phát triển nhà mẫu và trung tâm bán hàng để thu hút khách hàng. Đây là điều mà thị trường nhà ở Hà Nội đã và đang học hỏi, ứng dụng.
Mặc dù vậy, theo ông Hiển, Hà Nội có những nét đặc thù riêng biệt, ví dụ khu vực 4 quận nội thành, do các yếu tố văn hóa và bảo tồn nên bị giới hạn chiều cao. Yếu tố này buộc thị trường nhà ở Hà Nội đi theo một hướng riêng, khác biệt với TP.HCM.
Tuy có nhiều điểm khác biệt nhưng theo ông Hiển, thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM vẫn có điểm tương đồng, đó là cả hai thành phố đều đang có bước đi mở rộng rất lớn, tốc độ đô thị hóa đều tăng lên rất nhanh. Chính quyền địa phương đều đang cố gắng tập trung phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kết nối đáp ứng nhu cầu của số lương cư dân ngày càng đông. Điều này là một trong những bước đệm để thu hút các nhà đầu tư bất động sản và hiển nhiên sẽ đem đến lợi ích cho các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố.
“Mỗi thị trường đều có một đặc thù riêng, vì vậy khó có thể kỳ vọng một hướng đi chung cho cả Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, sự khác biệt của hai thành phố là những nét hấp dẫn và thu hút đối với các chủ đầu tư và khách hàng”, ông Hiển nói.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE