Thị trường bất động sản Hà Nội: “Án binh bất động”

Cập nhật 27/11/2009 14:50

Vào thời điểm này của tháng trước, giới kinh doanh nhà đất ở Hà Nội cũng như các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) thực sự hồ hởi bởi thị trường BĐS Hà Nội “nóng” lên thực sự, giá đất tăng theo từng ngày kể cả những khu ở ngoại thành như Thanh Trì, Đông Anh..., đặc biệt là dự án về căn hộ chung cư. Nay ngược lại hoàn toàn, lượng giao dịch trên thị trường đã giảm, giao dịch cầm chừng.

Giá đất nền và chung cư: Giữ nguyên hoặc giảm

Theo khảo sát tại một số dự án và sàn BĐS tại Hà Nội thì giá đất nền và chung cư hiện đang trong tình trạng, hoặc giữ nguyên giá, hoặc giảm giá. Tuy nhiên, dù giữ nguyên và thậm chí giảm giá nhưng hầu như không có giao dịch diễn ra bởi người mua không sẵn sàng mua theo những mảnh đất hoặc căn hộ chung cư với giá chênh lớn so với thời điểm một tháng trước đó.

Vào hồi đầu tháng 10/2009, đất nền dự án tại các khu vực An Khánh, Văn Khê, Hà Đông, Mê Linh… đã được chủ đầu tư hoặc các trung tâm môi giới đẩy giá lên từ 20 - 30%, khiến cho người dân có đất xung quanh những dự án này cũng điều chỉnh giá lên liên tục.

Giá nhà tại các dự án chung cư cũng vậy, vào thời đỉnh điểm của thị trường cách đây khoảng 1 tháng, giá căn hộ chung cư đã bị giới đầu cơ đây lên cao và chênh với giá gốc khoảng 200 triệu đồng. Điển hình là khu đô thị Đại Mỗ (thuộc huyện Từ Liêm - Hà Nội), chênh đến 150 - 200 triệu đồng.

Không chỉ giá nhà chung cư mà ngay cả những người dân có nhà, đất bán hoặc rất cần bán cũng bắt đầu điều chỉnh mức giá đã niêm yết tại các sàn hoặc rao bán trên mạng.

Điển hình là đất ở khu biệt thự Hà Phong, khu biệt thự Minh Giang - Đầm Và, giá gốc chủ đầu tư bán hồi tháng Tám chỉ 5,5 triệu đồng/m2 nhưng đến tháng 10, giao dịch sang tay là 7 - 8 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Đất chia lô tại dự án Mê Linh - Dimond Park, giá gốc 5 - 6 triệu đồng/m2 hồi giữa năm, tháng trước có lúc lên kỷ lục tới gần 15 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, mức giá kỷ lục được duy trì không lâu. Khoảng giữa tháng 11, lượng giao dịch trầm hẳn. Nhiều khu biệt thự "sốt" trong tháng trước, nhanh chóng rơi vào trạng thái bão hòa. Người mua không còn sẵn sàng trả những khoản chênh lớn cho các suất trao tay.

Một loạt dự án đình đám trở thành tâm điểm của thị trường hồi tháng 10 đến nay bắt đầu chững lại, còn đất nền và chung cư đều ở trạng thái giữ hoặc giảm giá.

Một số dự án như Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Cienco 5... đang "án binh bất động", dù giá giảm từ 500.000 đồng đến một triệu đồng mỗi m2. Hàng loạt dự án đất nền thời điểm trước có giá tăng chóng mặt thì giờ lơ lửng. Điển hình là dự án Cienco 5, kể từ đầu tháng vẫn giữ giá 10 - 11,5 triệu mỗi m2. Còn dự án Tân Tây Đô còn khoảng 21-25 triệu, giảm 500.000 đồng so với tháng trước.

Giám đốc sàn BĐS Hoà Phát, ông Phạm Trung Hà cho biết, khoảng 2 tháng trở lại đây Hà Nội lên cơn sốt nhà đất mới, cơn sốt lan từ các dự án phía Tây sang Đông và hầu như các dự án ven đô thị lõi Hà Nội đều hình thành mặt bằng giá mới với mức tăng trung bình khoảng 30%. Đặc biệt tại các dự án khu vực Đông Anh, Long Biên đất nền đã được đẩy tăng đến hơn 50%.

Mặt bằng giá mới được hình thành và đều tăng so với giai đoạn trước đây khoảng từ 20% - 30% với những dự án tương tự và cùng khu vực.

Tuy nhiên với những dự án liên tục được công bố và tung sản phẩm thị trường bắt đầu đón nhận xu hướng giảm giao dịch và trở nên trầm lắng hơn. Một số dự án ngay sau khi công bố bán hàng, khách hàng sẵn sàng trả thêm 1 vài trăm triệu để được mua, nhưng đến thời điểm này đã bán bằng giá gốc hoặc chênh lệch ít hơn.
 

Cơn sốt đất tại Hà Nội đã nhanh chóng qua đi, giá đã giảm, giao dịch chững lại. Ảnh Minh hoạ


Giao dịch cầm chừng


Theo Phó tổng Giám đốc Cen Group Phạm Thanh Hưng thì hiện tại giao dịch trên thị trường BĐS ở Hà Nội giảm xuống đến phân nửa so với thời điểm nóng nhất cách đây một tháng của thị trường, theo đó, giá BĐS cũng đã giảm xuống khoảng 20%.

Giá BĐS lên quá giá trị thực và hiện nay không còn giao dịch ở mức giá cao như thế nữa bởi lẽ, theo thông lệ của thị trường, giá tại các dự án căn hộ chung cư cao nhất cũng chỉ lên đến 2000 USD/m2 mà thôi, tuy nhiên vào thời điểm nóng, giá đã bị đẩy lên quá cao, có dự án lên trên 3000 USD/m2. Điều này đã dẫn đến việc quá khả năng chi trả của mọi người, và hiện tại giao dịch cầm chừng là vì vậy.

Ngoài ra, một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là cơn sốt ảo về giá đất vừa qua do cò làm giá cũng đã dẫn đến việc đưa thị trường BĐS đến mức giá quá cao vượt quá sức mua của người dân, ông Hưng nhận định.

Còn ông Nguyễn Văn Trọng, sàn giao dịch BĐS Hetech Land cho rằng, cách đây hai tháng, lượng chung cư tung ra nhỏ giọt dẫn đến khách hàng đổ xô đi mua. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều nhà đầu tư đua nhau xả hàng và tự đẩy giá đất lên cao dẫn đến nguồn cung chung cư bị bão hòa.

Trước sức tăng quá nóng, giá đất bị đẩy lên cao đến 30-40%, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Khách hàng buộc phải nghe ngóng chờ giá đất giảm mới đầu tư. Số khác lướt sóng, buộc phải bán tháo khi đến kỳ hạn góp vốn. Điều này dẫn đến giá nhà đất giảm, ông Trọng nói.

Ông Hà cho biết, tại các sàn giao dịch nói chung và sàn Hòa Phát nói riêng, giao dịch cũng chậm lại, tỷ lệ giao dịch thành công cũng ít hơn; vẫn có khách hàng quan tâm nhưng chờ đợi những dự án mới được kỳ vọng hơn và giá cả dễ chịu hơn.

Trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm, khi một loạt dự án đất nền cũng như chung cư bắt đầu tung hàng chắc chắn sẽ có một làn sóng mới, giao dịch sẽ sôi động hơn, tuy nhiên vấn đề tăng giá sẽ còn bỏ ngỏ. Trong trường hợp các chủ đầu tư định giá cho sản phẩm của mình cao chắc chắn việc đẩy giá lên nữa của giới đầu cơ là khó xảy ra vì nhà đầu tư cũng bắt đầu thận trọng hơn.
 

DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV