Thị trường bất động sản đang bước vào cuộc đua mới, “cuộc đua” giảm giá bán. Đây là một trong những động thái thiết thực của các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn và góp phần hưởng ứng chương trình kích cầu của Chính phủ. Theo đánh giá, dù giá bất động sản đã giảm nhưng vẫn cao so với nhu cầu của người dân và chưa thu hút được các nhà đầu tư (yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng của thị trường) quay trở lại...
Thị trường sẽ lao dốc
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2009 thị trường bất động sản sẽ còn gặp không ít khó khăn vì tình trạng suy giảm chung của nền kinh tế. Trong các loại bất động sản thì phân khúc cao cấp là đáng chú ý hơn cả. Các dự án nằm tại các quận 2, 7, 8, 9 và huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, khu Nam Sài Gòn có khả năng sẽ giảm trong thời gian tới, vì so với thời điểm bắt đầu diễn ra cơn sốt (giữa năm 2007) giá bán vẫn còn quá cao. Chẳng hạn như có dự án lúc chưa sốt, giá bán khoảng 7 triệu đồng/m2, sau khi sốt tăng gấp 4 lần, lên khoảng 28 triệu đồng/m2 và hiện tại vẫn nằm khoảng trên 10 triệu đồng/m2. Như vậy có thể thấy thị trường bất động sản giảm trong thời gian qua chỉ là phần hơi bị thổi phồng trong quả bong bóng.
Dù giá đất nền dự án đã xuống thấp nhưng vẫn còn rất xa với những người có nhu cầu thực sự về nhà ở nên giao dịch kém. Nếu có nhu cầu về nhà ở thực sự, những người này sẽ chọn mua căn hộ hoặc nhà phố chứ không mua đất nền, do đó giao dịch đất nền vẫn nhỏ giọt và thậm chí đã ngưng hẳn. Thị trường căn hộ thuộc phân khúc trung bình thấp cũng thiếu, hầu như là chưa có sản phẩm mới, nên thị trường không có chuyển biến mới so với trước. Một số ít giao dịch thành công đa phần là tập trung vào nhóm khách hàng có nhu cầu thực để ở chứ không phải để đầu tư. Giá căn hộ cao cấp giảm liên tục, tuy nhiên vẫn khá ế ẩm khi người dân không mặn mà lắm với việc mua căn hộ cao cấp trong giai đoạn này.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương.
Thị trường bất động sản vừa qua đã được chứng kiến “ông lớn” Hoàng Anh Gia Lai làm cái chuyện được cho là “xưa nay hiếm” khi giảm giá bán một số căn hộ mới đến 40% so với trước để kích cầu. Theo một số chuyên gia, việc Hoàng Anh Gia Lai giảm giá là cần thiết, góp phần thúc đẩy thị trường sôi động trở lại. Tuy nhiên, khi đã giảm tới 40% giá trị mà giá bán vẫn ở mức trên 1.000 USD/m2 thì không phải là rẻ. Bởi lẽ, khi giá vật liệu xây dựng còn cao, chi phí xây dựng cao, Hoàng Anh Gia Lai đã từng bán sản phẩm chỉ với giá khoảng 700 USD/m2 vẫn có lời, trước khi được đẩy lên bán giá khoảng 2.000 USD vào đỉnh điểm.
Sau khi Hoàng Anh Gia Lai đột ngột giảm giá, hàng loạt các dự án khác cũng rục rịch theo chân để giải bài toán kinh doanh thời khủng hoảng. Các dự án hạng trung như Thái Sơn, Sadeco chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/m2 so với giá trên 24 triệu đồng/m2 trước đây. Dự án làng đại học từ 30 triệu thời đỉnh điểm nay chỉ còn từ 12 đến 16 triệu đồng/m2. Giá đất dự án tại Nhà Bè có hạ tầng hoàn chỉnh cũng chỉ dao động trên dưới 7 triệu đồng/m2 so với trên 17 triệu đồng như trước đây. Giá bất động sản tại Q9, Q. Thủ Đức cũng đã xuống dưới 10 triệu đồng/m2. Nền biệt thự 10x20, 8x20... của nhiều dự án trên địa bàn phường Phước Long B, Q9 chào giá khoảng 6 triệu đồng/m2 mà vẫn vắng người mua, giảm 70% giá trị so với trước.
Trong khi đó, giá đất dự án tại các khu vực cận trung tâm như Him Lam - Kênh Tẻ (Nam Sài Gòn), An Phú - An Khánh, Huy Hoàng sau một thời gian dài giảm giá thì đến thời điểm hiện nay đã đứng thấp từ 22 đến 35 triệu đồng/m2. Căn hộ chung cư Vạn Đô (Q4) có thời điểm giá 30 triệu đồng/m2, nay được chào bán trên dưới 18 triệu đồng/m2. Căn hộ chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2, giao dịch quanh mức 15 -16 triệu đồng/m2 giảm khoảng 10 triệu so với lúc cao điểm.
Giảm giá hoặc... chết!
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính - Đại học Ngân hàng, cho biết thị trường bất động sản có hiện tượng ấm lên ngoài một số ít người có nhu cầu thật sự không thể “kiên nhẫn” chờ giá giảm thêm, chấp nhận mua nhà để ổn định cuộc sống, thì các nhà đầu tư cũng đóng vai trò khá quan trọng. Sở dĩ nhà đầu tư quay lại với BĐS là vì thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn, gửi tiền vào ngân hàng thì kém hiệu quả, đầu tư vào vàng thì thiếu ổn định...
Ngoài ra, các nhà đầu quay lại với BĐS chủ yếu để thăm dò thị trường. Một số nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ tiền ra để tạo giao dịch thật nhưng cũng chỉ để mua đi bán lại. Hơn nữa, đây được xem là thời điểm mang tính lịch sử để người dân, trong đó đa phần là cán bộ công nhân viên lần đầu tiên có cơ hội mua nhà với giá khoảng trên dưới 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, thị trường BĐS không thể ngóc đầu lên ngay, mà phát triển lình sình trong một thời gian nữa mới có thể khởi sắc.
Trở lại với việc Hoàng Anh Gia Lai giảm giá bán căn hộ, tiến sĩ Thẩm Dương cho rằng, đây là một hành động khôn ngoan trong giai đoạn nền kinh tế đang khó khăn. Giảm giá bán là phù hợp với chương trình kích cầu của Chính phủ. Hiện tại, kinh phí xây dựng một căn hộ hết 9 đồng, chỉ có thể bán 9,5 đồng thôi, không nên kỳ vọng ở mức giá 10 đồng. Đây là bài toán cả thế giới đang làm chứ không phải chỉ có Hoàng Anh Gia Lai. Vì thế, một số doanh nghiệp bất động sản chỉ có hai con đường hoặc giảm giá hoặc... chết! Giảm giá sẽ giữ được nhân viên, công nhân, để phát triển thương hiệu, để làm “hài lòng” các đối tác chiến lược...
Đồng quan điểm với tiến sĩ Thẩm Dương, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu đã hoan nghênh động thái tích cực của nhà đầu tư bất động sản khi quyết định giảm giá bán sản phẩm, góp phần đẩy mạnh chương trình kích cầu của Chính phủ. Trong thời điểm thị trường đóng băng như hiện nay, giảm giá bán tại các dự án căn hộ cũng giống như thổi làn gió lạc quan vào thị trường. Và việc giảm giá cũng là điều tất yếu khi mà thị trường bất động sản chỉ có người bán, vắng người mua. Hơn nữa, giá các loại vật liệu xây dựng giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Châu cũng lưu ý các nhà đầu tư, giảm giá bán nhưng cũng không nên giảm chất lượng sản phẩm, không được kéo dài tiến độ bàn giao nhà.
Bây giờ kinh doanh bất động sản mà còn hy vọng lợi nhuận cao thì quả là kém khôn ngoan!
DiaOcOnline.vn - Theo Công An TP