Mặc dù đã giảm giá từ 10- 20%, nhưng do nguồn cung tỷ lệ nghịch với nhu cầu của người mua khiến thị trường BĐS tại Gia Lai đang rơi vào tình trạng bão hòa.
BĐS phát triển… thụt lùi
Nếu thị trường BĐS ở Gia Lai từ năm 2009 trở về trước rất sôi động, thì từ cuối năm 2009 đến bây giờ ngày càng có dấu hiệu chững lại, và hiện nay gần như bão hòa.
Dạo một vòng quanh TP. Pleiku, Gia Lai, hầu hết các tuyến đường đều xuất hiện nhan nhản biển “bán đất”, “bán nhà”, thậm chí chỉ vài chục mét lại xuất hiện 1 tấm biển như thế này. Đặc biệt, có những gia đình treo biển bán nhà hàng năm trời mà vẫn chưa bán được. Điển hình như ngôi nhà của gia đình chị Tâm, với diện tích trên 1.000m2, vừa có sân, có phòng trọ, có ao nuôi cá, lại tọa lạc ngay phần mặt tiền trên trục đường huyết mạch của thành phố- đường Phạm Văn Đồng. Thế nhưng, treo biển bán gần 2 năm nay mà ngôi nhà lý tưởng này vẫn chưa có chủ mới.
Đại diện của Trung tâm Dịch vụ Nhà đất Phú Gia Hưng cho biết: “Hiện nay thị trường nhà đất tại Gia Lai dường như đang chững lại. Hiện tại, trung tâm đã nhận được rất nhiều người đến ký gửi bán, trong đó có nhiều địa chỉ nhà và đất khá tốt, giá cả lại mềm nhưng vẫn chưa bán được”.
"Thê thảm" hơn có lẽ là các dự án đã được quy hoạch của các Doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Như dự án khu đô thị Phượng Hoàng I với diện tích 7 ha, nằm ở phía đông của TP. Pleiku, cách trung tâm thành phố hơn 5km, do Công ty TNHH Vinh Quang 1 làm chủ. Sau khi nhà đầu tư xây dựng 9 căn hộ mẫu để khách hàng lựa chọn, đến thời điểm hiện tại mới có 20% số lô đã bán được.
VK.City là khu đô thị có quy mô lớn nhất Tây Nguyên, được quy hoạch trên diện tích gần 200 ha, với tổng mức vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng sau 4 năm triển khai (từ năm 2007 đến 2012 sẽ hoàn thành), đến nay khu đô thị VK.City của Công ty VK.HIGHLAND đầu tư vẫn chưa thu hút được nhiều người đến mua khiến dự án có nguy cơ bị “treo”.
Bà Nguyễn Thị Minh Hậu- Trưởng phòng Kinh doanh, Chi nhánh Công ty TNHH Công ty Vinh Quanh 1 tại Gia Lai cho biết: “Khu Dân cư Phú An tuy đã có 70% chủ sở hữu. Thế nhưng dự án cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, và dự án này cũng đang nằm trong nguy cơ bị “treo””.
Ông Lưu Văn Thanh- Phó Giám đốc Sở xây dựng cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 đơn vị kinh doanh BĐS đang hoạt động, tạo ra quỹ hàng hóa rất lớn. Ngoài ra, lượng đất nằm trong chương trình tái định cư trên địa bàn tỉnh cũng khá lớn. Chỉ tính riêng 2 nguồn này cũng đã lên tới từ 5.000- 7.000 lô đất, đó là chưa nói đến lượng đất dư thừa dành để bán của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tại cung, tại cầu, hay tại chính sách?
Hiện tại, đất nằm trong vị trí trung tâm của TP.Pleiku có giá từ 40- 50 triệu đồng/m2, còn đất ở các khu vực ngoại thành, ven đô thị trung bình khoảng 100 triệu đồng/lô. Với giá cả thế này, đáng lẽ ra BĐS Gia Lai phải là thị trường sôi động, nhưng ngược lại nó lại đang rơi vào tình trạng bế tắc.
Lý giải cho nguyên nhân trên, ông Thanh cho biết, dù đã giảm giá từ 10- 20% nhưng do nguồn cung quá lớn khiến thị trường BĐS nơi đây gần như chạm đáy và rơi vào tình trạng ế ẩm.
Nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là do nhu cầu mua đất của người dân trong tỉnh rất ít, lượng người lao động ở tỉnh khác đến Gia Lai hầu như không tăng. Điều kiện khí hậu và tự nhiên của Gia Lai lại là tỉnh miền núi, ranh giới về đất ở và đất nông nghiệp gần như là không có. Chính vì vậy, việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở là rất dễ dàng mà không gặp vướng mắc vào quy định của luật pháp.
Một nguyên nhân nữa quyết định đến thị trường BĐS đó là tài chính, từ khi Nghị Quyết 11 của Chính phủ được ban hành, việc thắt chặt tín dụng và lãi suất quá cao đã trở thành nguyên nhân quan trọng khiến thị trường nơi đây đang bị đóng băng.
Ngoài ra, theo ông Đỗ Xuân Tuấn- Phó Giám đốc Kinh doanh của Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp FBS, thì một quy định pháp luật cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường nhà đất của TP.Pleiku là: “Trước đây, khi dự án đã có giấy phép, nhà đầu tư có thể tiến hành ngay việc huy động vốn, chào hàng và ký hợp đồng với khách hàng. Hiện nay, Nghị định 71/2010/NĐ- CP và Thông tư 16/2010/TT-BXD được ban hành, thì những dự án được thực hiện thông qua hợp đồng góp vốn sẽ không được giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường, khi chưa hoàn thành việc xây dựng và cấp sổ đỏ”.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí