Cần tăng tính cạnh tranh, minh bạch của thị trường. |
Năm 2008 trôi qua với bao biến động lớn: khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự suy giảm kinh tế, giảm sút trên thị trường chứng khoán đã kéo theo sự ảm đạm của bất động sản (BĐS). Riêng đối với Việt Nam, những tác động bất lợi đó không những làm xì hơi bong bóng trên thị trường BĐS những tháng cuối năm 2008 - đầu 2009 mà còn đẩy thị trường vào viễn cảnh mờ mịt.
Đầu năm 2009, trước áp lực từ suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu giảm mạnh trong khi nhiều dự án địa ốc, khu đô thị mới tại nhiều địa phương chuẩn bị đi vào hoạt động, cộng thêm chính sách ở tầm vĩ mô thay đổi (Luật thuế thu nhập cá nhân, luật thuế giá trị gia tăng có hiệu lực; tăng lệ phí chuyển nhượng BĐS, giảm lãi suất ngân hàng...) chắc chắn có những tác động không nhỏ lên tình hình thị trường BĐS trong nước. Câu hỏi đặt ra là thị truờng sẽ đi về đâu?
Những ẩn số khó lường
Đầu năm 2009 thị trường BĐS tại Hà Nội và Tp HCM, mặc dù giá thuê các cao ốc văn phòng không ngừng hạ nhưng lượng cầu rất ít, khách hàng tỏ ra kén chọn và không ngần ngại chuyển đến địa điểm mới có giá cạnh tranh hơn. Dự án HimLam Riverside trong khu đô thị mới Tân Hưng, quận 7 - TP HCM là một trong những dự án có vị trí đắc địa nhất ở KĐT mới Nam Sài Gòn - giá đã thấp hơn 700 - 800 USD/m2 so với các dự án cùng cấp bán được cách đây vài tháng. Cụ thể: căn hộ HimLam Riveiside hiện đang chào bán với giá bình quân khoảng 1.800 USD/m2. Trên cùng một khu đất đó, chất lượng căn hộ cùng đẳng cấp nhưng Sunrise City trước đây bán với giá bình quân 2.500 - 2.600 USD/m2.
Hai tháng trở lại đây, khi nhận thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, đã xuất hiện tình trạng tăng giá vô tội vạ trên thị trường nhà đất, bất chấp mức cầu vẫn không được cải thiện. Xảy ra hiện tượng này là do sự kỳ vọng quá nhiều vào khả năng phục hồi nhanh của kinh tế thế giới, từ đó hi vọng thị trường BĐS sẽ ấm dần theo. Tại TP HCM, sau đợt tăng giá trong tháng 6, tính bình quân giá nền đất trong các dự án hạng top ở Nam Sài Gòn tăng 100%, những dự án chỉ để ở cũng có mức tăng 30%.
Tại Hải Phòng, giá nhà đất tăng với mức độ tăng... khiêm tốn 10–20%. Được biết, tại nhiều dự án mức tăng có thể lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn như; tại dự án Hồ Sen – Cầu Rào 2, nếu đầu năm giá mới chỉ 10 triệu VND/m2 thì hiện tại đã tăng lên thành 30 triệu VND/m2, đất trong dự án đường Lê Hồng Phong cũng có mức tăng lớn, hiện nhiều khu vực không phải mặt đường tại đấy cũng đã lên tới 40 triệu VND/m2, Tại khu đô thị mới Sao Đỏ, đường Phạm Văn Đồng, quận Dương Kinh, giá đất cho dự án xây dựng cao ốc, văn phòng đang từ 11 – 13 triệu VND/m2 đã tăng lên, có dự án tăng lên thành 17 -18 triệu VND/m2...
Lối ra cho thị trường
Được biết qua sàn giao dịch BĐS của một DN tại Hải Phòng, từ tháng 6/ 2009, các giao dịch BĐS dần hồi phục và tăng nhẹ trở lại, kéo giá nhà đất tăng theo. “Trong hai tháng gần đây, lượng giao dịch qua sàn BĐS của một DN đã tăng gần 200%, kèm theo giá đất cũng tăng ở mức 10 - 20% so với nửa năm trước”. Đặc biệt là sự hồi phục này diễn ra đồng thời cả ở mảng nhà đất trong các dự án và nhà đất trong khu dân cư...
Một kịch bản khá “lành” cho thị trường BĐS vào những tháng cuối năm đang được nhiều chuyên gia ủng hộ. Nhận định trên được xâu chuỗi từ rất nhiều yếu tố hợp lại, từ diễn biến của nền kinh tế, tâm lý nhà đầu tư đến chính sách quản lý của Nhà nước. Dường như, mọi yếu tố trên đang ủng hộ cho một tương lai sáng sủa của thị trường BĐS. Đã thấy le lói cuối đường hầm khả năng kinh tế thế giới thoát khỏi điểm thấp nhất của suy thoái khi các đầu tàu như Mỹ, Nhât Bản, Đức, đặc biệt là Trung Quốc đã có tăng trưởng dương. Điều này giúp kinh tế VN có nhiều hi vọng đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu nhập người dân, cải thiện tiêu dùng. Trên bình diện vĩ mô, Luật sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Cùng lúc Chính phủ đã ban hành cơ chế đầu tư - kinh doanh nhà ở cho sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất thuê; nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị (vay đến 80% tiền mua nhà)... được coi như những cú hích lớn giúp thị trường BĐS lành mạnh và phát triển hơn.
Mặc dù vậy, thị trường BĐS VN còn một số vấn đề cần sớm được khắc phục như cần tăng tính cạnh tranh, minh bạch của thị trường từ khâu tạo lập đến hoạt động giao dịch mua bán; nhà đầu tư còn khó khăn trong việc tìm và triển khai dự án đầu tư, người dân còn gặp trở ngại khi trực tiếp tìm mua nhà ở. Được xem là đầy tiềm năng và mở ra nhiều cơ hội tốt nhưng thị trường BĐS VN để phát triển không những đòi hỏi sự nỗ lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư mà còn cần cơ chế chính sách phù hợp để phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp