Các chủ đầu tư tích cực tiếp cận đối tác, khách hàng… nhưng xem ra việc khai thông nguồn vốn vẫn còn gặp khó. |
Thị trường bất động sản (BĐS) đang chờ vào dịp cuối năm để bung hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân “sắm” nhà đón Tết. Tuy nhiên, khác hẳn với quy luật hằng năm, năm nay thị trường không mấy khả quan khi lượng tiền bơm vào thị trường này đang bị “teo” lại.
Bài toán nan giải
Để đón đầu làn sóng “sắm” nhà ăn Tết, hàng loạt dự án BĐS bung hàng để “săn” khách dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo thống kê từ các sàn giao dịch, các công ty địa ốc, lượng giao dịch vẫn chưa có dấu hiệu tăng.
TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, bình luận rằng, hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp hiện đang gặp khó khăn về tài chính nên việc quay lại thị trường BĐS là khó khăn. Theo TS. Dương, hiện nhiều ngân hàng đã bắt đầu chiến dịch “hút” vốn về để cơ cấu lại các khoản nợ, từ đó mới tính đến kế hoạch giải ngân tiếp.
Việc giải ngân vốn chỉ bắt đầu diễn ra vào đầu năm, điều này sẽ khiến thị trường BĐS đã khó càng thêm khó, nhất là đối với những nhà đầu tư thứ cấp.
Theo ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên-Môi trường, hiện lượng tiền cung cấp cho các dự án BĐS không còn. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn hệ thống, ngân hàng không thể vượt qua hạn mức cho phép, chỉ cân đối trong khoảng 10% hạn mức tín dụng.
Về nguyên tắc không thể tài trợ vốn đủ và dài hạn cho thị trường BĐS nên chủ đầu tư phải chủ động về vốn, tạo ra các công cụ tài chính để tài trợ cho các dự án BĐS như: Quỹ tiết kiệm đầu tư BĐS, quỹ tín thác BĐS… “Doanh nghiệp BĐS không thể chỉ dựa vào hệ thống ngân hàng, mà phải thiết lập hệ thống tài chính hóa cho riêng thị trường này. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng nguồn vốn sẽ dồi dào hơn, không quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng”, ông Chính nói.
Huy động từ trái phiếu, chứng khoán
Trước những khó khăn trên, hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải “cậy” đến phương thức niêm yết trên sàn chứng khoán, phát hành trái phiếu dự án…
Ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Công ty Đất Xanh, cho biết, ngày 22/12, công ty này chính thức niêm yết 8 triệu cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán là DXG.
Theo ông Thìn, đây là một sân chơi lớn, công bằng và minh bạch, giúp doanh nghiệp “gọi” vốn trên thị trường này phục vụ cho phát triển hàng loạt dự án lớn của công ty trong thời gian tới. “Hiện công ty đang triển khai hàng loạt dự án, nếu chỉ “nhìn” vào vốn của doanh nghiệp thì không thể nào đủ đáp ứng nhu cầu phát triển nhảy vọt của công ty. Việc niêm yết trên sàn là một hướng đi đúng để huy động vốn của toàn dân, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Thìn phân tích.
Cuối tháng 11/2009, Công ty Novaland, chủ đầu tư dự án Sunrise City (Q.7, TP.HCM) đã phát hành 1.922 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm, lãi suất 12%/năm. Dự kiến, toàn bộ số vốn từ đợt phát hành trái phiếu sẽ được dùng để đầu tư triển khai dự án này.
Mới đây, Công ty cổ phần Vincom cũng vừa phê duyệt phương án phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Đây là loại trái phiếu có tài sản bảo đảm là BĐS và tài sản hợp pháp khác (quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của dự án Eco City). CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) cũng đang có kế hoạch phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư vào các dự án An Lạc Plaza, Tân Tạo, đền bù khu công trình công cộng và dân cư lô 11A...
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên