Thị trường bất động sản chuyển động

Cập nhật 27/04/2009 14:30

Câu hỏi "Tiền đâu sầm sập đổ vào" thị trường chứng khoán chưa kịp tìm ra câu trả lời, thì thị trường bất động sản Hà Nội lại lên cơn sốt.

Nhất là trước khi chứng khoán "đỏ sàn", nhà đầu tư chốt lãi, luồng tiền bắt đầu quay ngược vào BĐS khiến nhịp sống của thị trường sôi động trở lại.

Những "nhà đầu tư bận rộn"

"Ngáp" dài suốt nửa năm, tình cờ gặp lại Tuấn trước cửa Cty Vinapol - chủ đầu tư dự án Orange Garden (Vườn cam), cậu vội vã khoe: "Vụ sốt vừa rồi em mua được 1 chiếc xe Zace đấy". Tôi nhẩm tính: Chưa đầy 1 tháng, thu nhập như vậy bằng nghề môi giới cũng là... hời! Cứ nhìn từ Tuấn, có thể hình dung thị trường nhà đất HN một tháng qua đã diễn biến ra sao.

Còn Bảo và Hoan chuyên môi giới bất động sản ở khu Văn Khê. Bảo nói: Ngay trước Tết Nguyên đán, căn hộ liền kề có diện tích đất 50m2 chuẩn bị giao nhà ở đây rao bán 17 triệu đồng/m2 mà không ai buồn hỏi, đến thời điểm này, giá đã lên tới 27-28 triệu đồng/m2, nhưng lại khan hàng, tìm không ra người bán.

Căn hộ cao cấp Usilk - City nửa năm trước bán giá gốc 750USD/m2 chẳng có người mua, bắt đầu vào vụ sốt, giá chênh nhảy từ 40-50-60 triệu đồng, nhưng đến nay người mua có khi phải chịu chênh lệch đến 80-90 triệu đồng/căn mà tìm cũng không dễ.

Mặc dù vậy, Bảo cho biết, mỗi ngày cô cũng giao dịch được 4-5 hợp đồng thành công. Bét nhất mỗi hợp đồng thu về 5 triệu đồng thì mỗi ngày "phí" môi giới của cô cũng lên đến vài chục triệu đồng.

Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường cũng được "ăn theo" nhờ thông tin đường Lê Văn Lương - đoạn nối Trung Hoà - Nhân Chính với Hà Tây (cũ) sẽ thông trong năm 2010 để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy, nếu chỉ nửa năm trước, đất dự án này bán chẳng ai mua, thậm chí có người mua rồi còn tìm mọi cách "đánh tháo", thì đến thời điểm này đắt như tôm tươi.

Giá đất khu C liền kề dao động từ 17 triệu đến 26,4 triệu đồng/m2 giá gốc (chưa kể VAT và tiền chênh lệch nếu mua lại). Đất khu A - khu biệt thự Tây Đô có những vị trí lên đến 48 triệu đồng/m2. Mặc dù thế, từ 1.5, giá đất dự án này sẽ lại tăng 20%, nên để sở hữu những lô đất đẹp, không ít khách hàng đã phải trả chênh lệch lên đến trên 200 triệu đồng/lô cho "cò" môi giới.

Minh - một nhà đầu tư không chuyên cho biết: Cô đã kiếm được vài trăm triệu đồng chỉ trong 1 tuần nhờ "lướt sóng" ở dự án này. Có lẽ chính vì thế mà có những ngày, Tập đoàn Nam Cường nhận tới trên 300 đơn mua, bán, sang nhượng, đổi tên...

"Bắt mạch" cơn sốt

Sau gần nửa năm trầm lắng, thị trường BĐS Hà Nội sôi động trở lại đã khiến cả chủ đầu tư lẫn khách hàng bị cuốn vào "vòng xoáy" mới. Dòng vốn bắt đầu chuyển động, và để đón lõng thị trường, các chủ đầu tư không ai bảo ai đồng loạt tăng giá bán. Quyết định tăng giá dường như lại là một liều thuốc kích thích khiến thị trường trở nên sôi động hơn, lòng tham và sự mạo hiểm của các nhà đầu tư lại được dịp thử thách, và trong cuộc chơi đó, không ai muốn mình trở thành người chậm chân. Giá BĐS cũng theo đó mà tăng dần.

Cơn sốt nhà đất lại được tiếp sức bởi nguồn vốn (không ai biết ở đâu) tuôn ra như không bao giờ cạn. Tại phòng kế toán của Cty Nam Cường, khách chở từng bịch tiền lớn, thậm chí cả bao tải đến chờ nộp. 3 máy đếm tiền chạy hết công suất mà mỗi khách cũng phải chờ hàng giờ. Tiền thậm chí còn "nguyên đai, nguyên kiện" của ngân hàng, xếp chồng như đống gạch.

Kiều Anh - một cô bạn chuyên đầu tư BĐS mà tôi vừa quen biết, chỉ trong 3 ngày đã "xuống tiền" mua tới 6 cái vừa chung cư, vừa đất nhà vườn. Kiều Anh cho biết: "Đầu tư BĐS phải có thần kinh thép. Lúc lên thì lên đến nơi, nhưng lúc xuống cũng xuống đến đáy. Thần kinh không vững chịu không nổi". Còn anh Sỹ - một nhà môi giới "tay ngang" cũng nhân dịp này xuất tiền ra "ôm" vội vài chỗ. Anh nói: "Bán ngay đã lãi rồi, nhưng mình đang chờ thêm chút nữa bán sẽ tốt hơn".

Thị trường BĐS ấm lên đã kéo các nhà đầu tư (cả chuyên nghiệp và không chuyên) "vào cuộc". Thanh khoản của BĐS tốt hơn khiến cả người bán, mua và cả chủ đầu tư đều hưng phấn. Đó cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy thị trường đã bắt đầu thời kỳ tan băng. Bài toán khó hiện nay làm sao để thị trường đừng đi lệch hướng - không ai khác là các cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm đến điều này.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động