Thị trường bất động sản: Chưa thể lướt sóng

Cập nhật 11/05/2015 08:53

Tới thời điểm này, thị trường bất động sản đã ấm hơn, nhà đầu tư thứ cấp bắt đầu lên kế hoạch tìm kiếm nguồn thu. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay thị trường chưa đủ điều kiện để nhà đầu tư thứ cấp "lướt sóng”.


Cuối năm 2014 đầu năm 2015, các phân khúc trên thị trường tăng khoảng 15 - 20% lượng giao dịch. Song song đó, tỷ lệ thành lập công ty liên quan đến bất động sản (BĐS) mới cũng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu thế thị trường thể hiện sự khả thi trong kinh doanh khi giá sản phẩm BĐS các loại cũng tăng từ 5 - 7%. Điều đó cho thấy, thị trường đang có chiều hướng ấm dần.

Cụ thể, nhiều "dự án chết” được tái sinh, dự án mới không ngừng ra đời tỷ lệ tiêu thụ rất tốt với giao dịch thành công đạt trên 80%, có nhiều dự án bán hến 100% ngay trong ngày mở bán. Tiến độ bán hàng tốt của các dự án trở thành bàn tay trợ sức của các nhà đầu tư thứ cấp. Điển hình, Tập đoàn Novaland một lúc công bố bán hàng loạt căn hộ chung cư; Cty địa ốc Hoàng Quân mở bán dự án nhà ở xã hội HQC Plaza với 1.735 căn hộ. Tương tự, Cty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín tiến hành chào bán 200 căn hộ của dự án Carillon 2…

Nhận biết được dấu hiệu tốt của thị trường nhiều khách hàng lên kế hoạch mua hàng loạt căn hộ với mong muốn đầu tư đúng nhu cầu thị trường. Bà Hoàng Hoa (đường Cách mạng Tháng Tám, quận Tân Bình) cho hay: "Thời điểm kim hoàng của thị trường BĐS trong mấy năm về trước tôi đã mạnh dạn đầu tư và thu lại lợi nhuận kha khá. Biết rõ thị trường hiện nay chưa có sự đột biến song tôi vẫn thử vận may bằng cách đầu tư vào căn hộ”. Bà Hoa cho biết thêm, bà đang lên kế hoạch đầu tư căn hộ vì theo quy định thì sắp tới đây người nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam. Chính vì lẽ đó mà đầu tư sẽ không thể sai.

Nhận định về môi trường kinh doanh trong năm 2015 chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Năm 2015, BĐS tiếp tục là kênh đầu tư tốt cho người kinh doanh. Bởi vì, BĐS đang có dấu hiệu phục hồi trong khi các kênh đầu tư như: ngoại tệ, vàng, gởi ngân hàng… không thu hút như trước đây”. Đại diện Cty Hoàng Anh Sài Gòn cũng cho rằng, hiện tại có nhiều yếu tố để người dân đổ tiền vào BĐS. Trước hết, nguồn tiền nhàn rỗi đem gửi ngân hàng lãi suất không cao nên không còn hấp dẫn. Trong khi đó, biên độ lãi suất cho vay hoàn toàn ổn định tạo điều kiện tốt để người dân tiếp cận với nhà ở. Ngoài ra, để kích cầu tiêu thụ sản phẩm nhà ở các chủ đầu tư dự án có chính sách bán sỉ. Xuất phát từ các yếu tố khả quan trên nên nhiều người có tài chính tham gia làm nhà đầu tư thứ cấp theo hình thức mua sỉ từ sàn. Đầu tư căn hộ trong thời điểm hiện nay thì lợi nhuận không cao bằng các năm trước đây. Tuy nhiên theo đánh giá của các nhà đầu tư thứ cấp, lợi nhuận có thấp cũng cao hơn so với tiền lãi gửi ngân hàng.

Theo Colleirs Việt Nam, tại thời điểm thị trường sôi động (cách đây gần 10 năm) có khoảng 60 - 70% người mua nhà là các nhà đầu tư. Tỷ lệ này giảm mạnh sau khi thị trường BĐS đóng băng kéo dài. Thời gian gần đây, đã có dấu hiệu các nhà đầu tư thứ cấp quay trở lại song tỷ lệ này vẫn chưa thể bằng thời điểm kim hoàng trước đây.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, giới đầu tư thứ cấp đang quay lại thị trường, tuy nhiên mức độ không lớn, chỉ từ 10 - 15%. Một số nhà đầu tư kinh doanh thị trường BĐS cũng cho hay, thị trường BĐS cao cấp sẽ là nơi tạo "sóng” nhiều nhất. Đơn cử, khu vực quận 2 - nơi có nhiều sản phẩm cao cấp hội tụ là nguy cơ có "sóng”, còn lại các vị trí khác rất khó bởi các dự án trung cấp, trung bình lợi nhuận chênh lệch giữa mua đi bán lại kiếm được rất ít. Do thị trường BĐS mới chỉ khởi sắc và chưa sự đột phá, cho nên các nhà đầu tư thứ cấp không thể làm giá sản phẩm.

Liên quan đến sự trở lại của nhà đầu tư thứ cấp, ông Lê Hoàng Châu (Hiệp hội BĐS TP.HCM) nêu quan điểm, các nhà đầu tư thứ cấp hiện vẫn chưa tạo được "sóng” để lướt. Đối với phân khúc nhà vừa túi tiền, đa phần mọi người mua đầu tư kiểu cho thuê lấy lãi. Riêng phân khúc cao cấp, giới đầu tư gom hàng vì kỳ vọng về sức mua của người nước ngoài trong thời gian tới sẽ tăng cao khi quy định cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 7 - 2015. Đến thời điểm này, giới đầu tư thứ cấp chưa có hành vi nào làm ảnh hưởng đến thị trường, chỉ là góp phần tiêu thụ cho thị trường. Hơn nữa, các nhà đầu tư thứ cấp tỉnh táo hơn sau khu sau những thất bại trước đây.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết