Thị trường bất động sản chưa có tín hiệu thoát “đường hầm“

Cập nhật 26/10/2012 08:00

Nhiều chuyên gia cho rằng, với tình hình kinh tế như hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ vẫn tiếp tục khó khăn trong suốt năm 2013. Trong khi đó, niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường ngày càng giảm sút.


“3 dở dang, 3 sụt giảm”


Mô tả về tình hình của doanh nghiệp BĐS, các chuyên gia cho rằng, hiện các doanh nghiệp bất động sản đều bị thua lỗ, không ít trường hợp đứng trước nguy cơ phá sản vì không trả được lãi vay, nợ vay, hàng tồn kho lớn... Doanh nghiệp (DN) trên diện rộng đang phải đối mặt với nguy cơ 3 dở dang (đền bù dở dang, công trình dở dang, dự án dở dang) và 3 giảm (giá cả sụt giảm, sức mua sụt giảm và giao dịch giảm).

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP - Invest) cho rằng, để thị trường BĐS ấm lên cần có nguồn vốn ổn định, mà chừng nào hệ thống ngân hàng cơ bản ổn định, tái cấu trúc hoàn chỉnh thì chừng đó mới mong dòng vốn tái đổ vào BĐS. “Ngân hàng giống như quả tim còn nguồn vốn giống như mạch máu và thị trường BĐS được ví như cơ thể” – ông Hiệp nói – “Ngân hàng tái cấu trúc xong thì phải đến cuối năm 2013 thị trường địa ốc mới có cơ hội ấm lên".

Vì thế, ông Hiệp cho rằng, hơn một năm nữa thị trường địa ốc mới hồi sinh, và doanh nghiệp nên "chờ thời cơ". “Công ty tôi có mảnh đất đẹp ở Hà Nội nhưng phải chờ đến tháng 7-8 năm sau mới tính đến việc khởi công dự án” – ông Hiệp chia sẻ - “Còn trong giai đoạn này chỉ tính làm sao tồn tại, cầm hơi được là tốt lắm rồi!”.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho biết, tính đến cuối quý 3/2012, tính thanh khoản của thị trường BĐS Hà Nội và Tp.HCM vẫn rất thấp, thể hiện qua tỷ lệ hấp thụ sản phẩm trên thị trường chỉ khoảng 5 -7%, so với tổng nguồn cung căn hộ bán ra khoảng 111.500 căn tại cả hai thành phố.

Theo ông Mai, “thực tế là DN BĐS đang phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng niềm tin từ người tiêu dùng cũng như các đối tượng tham gia thị trường. Điều đó được biểu hiện qua số lượng căn hộ tồn kho quá lớn, trong khi nợ xấu đang rất cao, và việc tiếp cận các nguồn vốn mới lại rất khó khăn, nên không ít DN không có vốn để tái cơ cấu cũng như duy trì kinh doanh”.

Doanh nghiệp “muốn cũng không được”

Đứng trước khó khăn có tính dây chuyền của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng đã nhìn nhận rằng, nếu không có những biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực BĐS thì sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn. Một khảo sát mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho thấy, có khoảng 86 ngành nghề có liên quan đến BĐS.

Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn hiện nay của thị trường có nguyên nhân không nhỏ từ chính các chủ đầu tư khi đã định ra một chiến lược đầu tư không phù hợp với nhu cầu cũng như khả năng chi trả của thị trường, mà tiêu biểu là phần lớn lượng hàng tồn kho của bất động sản hiện nay đều thuộc phân khúc căn hộ cao cấp, có diện tích lớn và biệt thự hạng sang...

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Nguyễn Ngọc Khoa (Công ty Tân Hoàng Minh), lỗi đó không hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, bởi rất nhiều dự án hiện nay, khi được phê duyệt phải phù hợp với quy hoạch của khu vực đó cũng như phải đáp ứng được tiêu chuẩn về mật độ dân số, hạ tầng do cơ quan quản lý địa phương quy định.

“Một dự án được vài nghìn m2 và cơ quan quản lý quy định là chỉ được vài trăm hộ dân, mật độ chỉ ngần này thì thử hỏi DN làm sao xây căn hộ diện tích nhỏ để bán được. Nếu xây nhỏ sẽ tăng mật độ dân số khu vực đó lên, lại bị cơ quan quản lý "tuýt còi”, ông Khoa nói.

PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển, cho rằng, năm 2013 vấn đề giải cứu BĐS có diễn ra thì cũng từ từ, khó có khả năng kích cầu mạnh. Theo dự báo của ông cuối năm 2013 có thể thị trường sẽ ấm lên nếu các vấn đề hiện nay được xử lý tốt và năm 2012 được coi là đáy của thị trường. Dòng vốn cho BĐS là rất quan trọng. Lượng kiều hối mỗi năm về khoảng 10 tỷ USD, bên cạnh đó lượng vàng trong dân ước khoảng 40 tỷ USD.

“Nếu đưa được một phần dòng vốn này vào BĐS thì thị trường sẽ ấm lên nhanh hơn” – ông Thắng nói – “Ở một góc độ nào đó, có thể nói diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2013 là một trong những năm không dễ dự báo nếu chỉ căn cứ trên những diễn biến tình hình thực tế của năm 2012 và các yếu tố tác động khác sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới. Điều này có thể tác động mạnh hơn đến các hành vi tiêu dùng và đầu tư trong xã hội”.

DiaOcOnline.vn - Theo PLVN