Giá đất nóng lên đang làm xuất hiện niềm tin thị trường bất động sản (BĐS) đang hồi phục. Tuy nhiên, những quan điểm thận trọng đều cho rằng cần thêm thời gian để đất đai đi vào quỹ đạo.
Sốt thực hay ảo?
Theo giới kinh doanh BĐS, giá nhà và đất tại Hà Nội, nhất là biệt thự, nhà liền kề tại một số vùng, dự án nóng đang tăng từ 15-20 phần trăm. Khách đang hỏi mua rất nhiều.
Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công rất ít, do phía chủ đầu tư đang thăm dò chờ các chính sách thuế nên không bán ồ ạt. Tâm lý mua đầu cơ vẫn chiếm tới 30 phần trăm tổng số giao dịch.
Nhận xét về thị trường trong những ngày này, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) - đơn vị có hơn 18 năm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh BĐS phân tích:
“Phân khúc thị trường nhà có thu nhập khá tại TP Hồ Chí Minh giá đã giảm 30- 60 phần trăm. Tại Hà Nội do ít chịu tác động từ số lượng dự án nên mức giảm thấp hơn. Hiện tại, giá nhà chung cư ở phân khúc thị trường bậc trung và bình dân không quá cao và đang trở nên hấp dẫn nhà đầu tư. Cả nhà đầu tư miền Nam và miền Bắc đều giống nhau là nếu thấy có lợi nhuận họ sẽ làm liền”.
Cũng theo ông Hiếu, ngoài một số dự án giá đang bị đẩy lên, cũng có rất nhiều dự án đang giao dịch qua sàn BĐS đúng với giá của chủ đầu tư nêu có thể hấp dẫn người có nhu cầu thực.
Về lý do nhà tại các quận trung tâm không lên nhiều, điểm không hấp dẫn chủ yếu do người mua sợ sau này vướng quy hoạch, ông Hiếu khẳng định: “Theo tìm hiểu của chúng tôi nhu cầu tại Hà Nội bây giờ rất lớn, ít nhất sẽ còn kéo dài 5-10 năm nữa”.
Ông Hiếu cho biết thêm Thuduc House đang xúc tiến các dự án lớn trên các vùng miền trong cả nước như dự án Cantavil An Phú giai đoạn 2 (TPHCM) với hai block 36 tầng (hợp tác với tập đoàn Daewon); dự án chung cư cao cấp tại Hiệp Phú, Quận 9 (TPHCM) với vốn đầu tư 500 tỷ đồng (hợp tác với tập đoàn Daewon, thiết kế kỹ thuật do tập đoàn Nihon Sekkei – Nhật Bản thực hiện);
Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn và nhà nghỉ La Sapinette (Đà Lạt); dự án trung tâm thương mại, khách sạn Chân Mây Lăng Cô 12 ha (Huế), khu công nghiệp Đồng Mai 225 ha (Hà Nội)…
Sôi động cuối năm
Các dòng tiền đang sưởi ấm thị trường BĐS, khiến chúng có cơ hội phục hồi? - Ông Lê Thanh Liêm - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bất động sản Dệt may Việt Nam (Vinatexland) lý giải “Đang trong thời điểm suy giảm kinh tế việc thị trường BĐS trầm lắng là điều dễ hiểu. Nhưng sở hữu nhà và sử dụng BĐS là nhu cầu thiết yếu cho nên ngay cả khi giá BĐS xuống, thị trường vẫn tồn tại và dấu hiệu phục hồi sẽ sớm đến”.
“Vấn đề ở chỗ phải có cái nhìn phù hợp. Với việc Tập đoàn Dệt may được giao phát triển một số khu đất từ những đơn vị dệt may đã di dời ra khu công nghiệp, chúng tôi sẽ quan tâm đầu tư nhiều vào văn phòng hạng B và chung cư cho người thu nhập thấp, đón đối tượng tiêu dùng phù hợp với những sản phẩm này”.
Tốc độ tăng dư nợ cho vay BĐS của hệ thống ngân hàng bốn tháng đầu năm 2009 khá đều đặn từ đến 0,5 - 1,0 phần trăm/tháng. Tỷ trọng dư nợ cho vay BĐS của các ngân hàng ở TPHCM và Hà Nội chiếm khoảng trên dưới 10 phần trăm/tổng dư nợ. Tỷ trọng dư nợ cho vay BĐS của một số NHTMCP lớn hiện chiếm 14 - 20 phần trăm/tổng dư nợ.
Ông Lê Chí Hiếu cho rằng, thị trường BĐS Hà Nội vẫn đang được giới đầu tư và đầu cơ BĐS đánh giá rất tiềm năng. Hiện tại, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể phục hồi, thị trường BĐS Việt Nam sẽ cần 3 - 6 tháng nữa để lấy lại đà.
“Sự phục hồi sẽ diễn ra ở mức độ khá, những dự án nóng sẽ nguôi đi phần nào, sau đó nhường chỗ cho quỹ đạo cung - cầu thực” - Ông Hiếu cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong