Thị trường bất động sản lúc nóng, lúc lạnh phần lớn là do chính sách, pháp luật của nhà nước tác động. Đây là nhận định của nhiều diễn giả đưa ra tại hội thảo Chính sách đất đai với thị trường bất động sản tổ chức ngày 25-9.
Chính sách tạo ra ba cơn sốt
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chỉ ra rằng kênh bất động sản hiện phát triển không ổn định là do chính sách và các quy định pháp luật về đất đai thay đổi liên tục. Ông dẫn chứng một loạt chính sách tác động như việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn trong xác định giá thị trường, thủ tục giao đất để thực hiện dự án hiện còn qua nhiều cửa, hay chưa có chính sách đối với người có đất nằm trong quy hoạch… Chính vì thế trong gần 20 năm qua kênh bất động sản đã trải qua ba cơn sốt về giá nhà đất (năm 1991-1992, năm 2001-2002 và nửa cuối năm 2007 đầu năm 2008). “Sau mỗi cơn sốt như trên, thị trường bất động sản lại tái lập một mặt bằng giá mới tạo nhiều tác động tiêu cực” - ông Kiệt nói.
Đi vào chi tiết hơn, ông Phùng Văn Nghệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thực chất trong thị trường bất động sản Việt Nam thì thị trường quyền sử dụng đất là chủ yếu, thị trường này giữ vai trò chủ đạo trong việc phát triển kênh nhà đất. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nghệ thì thị trường quyền sử dụng đất hiện vẫn chưa thông suốt do chưa có nhiều cơ chế liên thông với các thị trường liên quan như kênh chứng khoán, thị trường xây dựng trong và ngoài nước.
Với giá bán 12,5-13,5 triệu đồng/m2 phù hợp với người có thu nhập trung bình nên sáng 25-9, hàng trăm khách hàng chen nhau bốc thăm đặt chỗ mua căn hộ Happy Plaza (Bình Chánh). Ảnh: M.Thảo. |
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP