Bán một phần hoặc toàn bộ dự án là phương án được nhiều chủ đầu tư lựa chọn để dự án có thể tiến triển nhanh hơn.
Với việc bán bớt một phần dự án cho Vingroup, Sudico đã tạo sự đột phá cho Khu đô thị mới Nam An Khánh sau gần 10 năm đầu tư hạ tầng mà vẫn không thu hút được người mua cuối cùng là những người có nhu cầu ở thực.
Trước đó, Sudico cũng đã bán đi một phần đáng kể Dự án Nam An Khánh cho Techcom Development (thuộc Ngân hàng Techcombank) và Ngân hàng Quân đội nhưng chuyển động tại khu đô thị này vẫn không đáng kể. Tuy nhiên, câu chuyện của Nam An Khánh sẽ khác đi khi khoảng 10% diện tích Nam An Khánh trở thành Vinhomes Thăng Long.
Sudico đã bán bớt một phần dự án Nam An Khánh cho Vingroup
|
Theo công bố của Vingroup, những căn nhà thấp tầng đầu tiên trong tổng số gần 800 căn của Dự án sẽ được bàn giao cho khách hàng vào cuối năm 2016.
Trước đó, trong tháng 4/2016, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Việt (Công ty Trung Việt) cũng đã hoàn tất việc chuyển nhượng 4,7 ha đất (tương đương 35% quỹ đất ở) của Dự án Khu đô thị Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát). Theo kế hoạch, Hải Phát sẽ khởi công xây dựng các khu nhà liền kề và biệt thự trên phần đất mua lại từ Trung Việt trong tháng 6/2016. Với thương vụ này, Công ty Trung Việt sẽ thu về khoảng 700 tỷ đồng để đóng tiền sử dụng đất và đầu tư cơ sở hạ tầng cho Dự án Khu đô thị mới Phú Lương rộng hơn 34 ha. Trong năm 2015, Công ty Trung Việt đã từng bị Chi cục Thuế Hà Nội xếp vào danh sách có số tiền sử dụng đất phải “giãn tiến độ” lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Cũng trong tình cảnh phải bán bớt dự án để trang trải nợ nần, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco5 Land) – chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Thanh Hà mới đây đã bán 95% cổ phần cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh. Khởi công xây dựng từ năm 2008, Dự án đã bất động nhiều năm khi chủ đầu tư Cienco5 Land vướng tranh chấp với các chủ đầu tư thứ cấp. Trong thương vụ này, Tập đoàn Mường Thanh đã chi ra 1.500 tỷ đồng để sở hữu cả khu A và khu B của Khu đô thị Thanh Hà rộng gần 400 ha và chi trả các khoản nợ của Cienco5 Land liên quan đến khu đô thị này.
Bán bớt hoặc cả dự án để tìm kiếm các khoản đầu tư mới là phương án được nhiều chủ đầu tư lựa chọn thời gian gần đây như Liên danh Tiến Phước – Trần Thái và Gaw Capital bán 40% cổ phần tại Dự án Empire City (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) cho Keppel Land với mức giá 93,9 triệu USD.
Trong quý I/2016, thị trường còn chứng kiến nhiều giao dịch tài sản đầu tư (là các bất động sản đang hoạt động) như thương vụ A&B Tower (TP.HCM), Khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), TNT Tower (Hà Nội), và Resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Lý do bán đi là nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư, đồng thời tìm kiếm những ý tưởng mới.
Nhận định về các giao dịch bất động sản gần đây, bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng phòng Nghiên cứu Thị trường Công ty Jones Lang Lasalle Việt Nam nhận xét, giới đầu tư đang “hiện thực hóa” những chính sách mới trong Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 khi người nước ngoài được phép mua nhà tại Việt Nam. Thị trường nhà ở đã có những kết quả tích cực về cả cung và cầu trong năm 2016 ở tất cả các phân khúc của thị trường. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm tài sản là bất động sản để đầu tư vào Việt Nam. Điều đó lý giải vì sao các giao dịch bất động sản quy mô lớn liên tục diễn ra gần đây.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Sohovietnam cho rằng, việc mua bán giữa các bên sẽ không còn phải “lách” bằng cách mua cổ phần doanh nghiệp như trước đây, bởi bất động sản với tư cách là đối tượng giao dịch được cơ quan nhà nước công nhận, bảo hộ. Tuy nhiên lý do chính thúc đẩy các thương vụ mua bán dự án bất động sản là do khởi sắc của thị trường. “Có những giao dịch bên bán là người chủ động tìm kiếm nguồn lực mới để phát triển dự án, có những giao dịch do bên mua chủ động mở rộng danh mục đầu tư khi nhận thấy thị trường có khả năng tăng trưởng trong tương lai gần”, ông Cần nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư