Thị trường bất động sản: “Ấm” vào cuối năm?

Cập nhật 06/07/2011 12:55

Khó có thể lạc quan về thị trường BĐS từ nay đến cuối năm khi dòng vốn trên thị trường không được lưu thông. Tuy nhiên, nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng từ sau tháng 7/2011 khi đó thị trường sẽ cóxung lực mới. Tuy không bùng phát nhưng có thể đi lên vào cuối năm 2011.


Liệu bao giờ thị trường bất động sản sẽ "ấm" trở lại?

Than thở và...thở than

Đúng là sau thời gian các ngân hàng thương mại áp dụng thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất, thị trường BĐS đã rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều dự án bị đình lại do thiếu vốn, thanh khoản trên thị trường giảm sút rõ rệt.Việc mạnh tay thắt tín dụng, các ngân hàng có thể giảm nhanh dư nợ cho vay BĐS, song cũng đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi đối với các khoản vay trước đó.

Điều đáng nói, nhiều công trình, dự án đang triển khai bỗng bị ngừng cho vay dẫn tới chậm tiến độ và ảnh hưởng tới tính thanh khoản. Hệ quả là hàng hóa phải dừng lại ở dạng bán thành phẩm, không giao được cho khách hàng. Nếu không tiếp tục “bơm” thêm vốn, công trình sẽ lửng lơ, dự án không được hoàn thiện, không có sản phẩm để bán và doanh nghiệp không thể thu hồi vốn, trong khi nợ cũ vẫn tồn đọng.

Một trong những vấn đề mấu chốt là ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến đầu ra thực tế của các dự án BĐS. Chủ trương siết chặt tín dụng với BĐS của Chính phủ chỉ nhằm loại bớt các lớp đầu cơ và làm thị trường minh bạch hơn, chứ không phải siết lại với các dự án có tính hiệu quả cao, đáp ứng được nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân. Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất hàng loạt biện pháp nhằm giải cứu thị trường BĐS. Hiện, Bộ đã trình báo cáo lên Thường trực Chính phủ tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 và đề xuất có được thông qua hay không thì còn phải đợi kết luận của Thủ tướng.

Bao giờ thị trường mới “ấm”?

Theo ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS, có 5 yếu tố để làm thị trường BĐS phát triển trong thời gian tới. Thứ nhất là kiểm soát dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ. Thứ hai là điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong các dự án để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Thứ ba là đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, để các dự án BĐS là nhà ở sớm đủ điều kiện để tham gia thị trường. Thứ tư là tiếp tục tập trung nguồn lực, đẩy mạnh các chương trình nhà ở xã hội. Đặc biệt quan tâm đến phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở cho thuê. Cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm trong kinh doanh bất động sản để làm lành mạnh thị trường.

Ở khía cạnh khác, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tình trạng nguội lạnh của thị trường BĐS là hệ quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát. Trong kinh tế, khi rơi vào hoàn cảnh lạm phát thì buộc phải sử dụng chính sách giảm cung tiền cho thị trường bằng cách nâng lãi suất ngân hàng để thu tiền trở lại các ngân hàng thương mại. Điều đó là trái với nhu cầu cần vốn của thị trường BĐS và ở bất kì nước nào thì câu chuyện này luôn luôn xảy ra khi phải chống lại lạm phát.

“Cách tốt nhất là các nhà đầu tư hiện nay chủ động tìm kiếm vốn thông qua hình thức góp vốn của người tiêu dùng, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để tìm hướng đi cho những dự án đang triển khai. Lúc nào thị trường BĐS ấm lên hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm chúng ta kiềm chế được lạm phát và tình trạng tăng giá như hiện nay” – Giáo sư Võ khẳng định.

Ngân hàng phải vào cuộc bằng cách tăng cường cho vay ở phía người tiêu dùng

Để tháo gỡ khó khăn, một trong những việc cần ưu tiên hiện nay, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam là ngân hàng phải vào cuộc bằng cách tăng cường cho vay ở phía người tiêu dùng, tức là tăng thêm sức mua. Đây cũng là hình thức đảo nợ, việc tăng dư nợ cho vay tiêu dùng sẽ khiến doanh nghiệp nhanh thu hồi vốn để có tiền tiếp tục trả nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn định đối với một số doanh nghiệp, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn. Chẳng hạn, các dự án đạt tỷ lệ hoàn thành từ 75 - 80% hoàn toàn có thể cho vay. Đặc biệt, ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ dòng tiền cho vay vào đền bù giải phóng mặt bằng, không cho vay vào dự án bất động sản cao cấp, đang có xu hướng bão hòa. Thay vào đó chuyển sang chủ yếu cho vay dự án nhà ở có quy mô nhỏ, giá trung bình, nhà cho người có thu nhập thấp và một số dự án đang ở mức sắp hoàn thành để tăng tính thanh khoản cho thị trường. Ngân hàng cũng nên cho vay những gia đình có nhu cầu mua thật, có thu nhập thật, có công việc thật, cũng là để tăng tính thanh khoản, đảm bảo thị trường bất động sản không bị sốt nóng mà cũng không bị đóng băng đột ngột.

Tiến sỹ Trần Kim Chung - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW lại cho rằng, nếu chính sách có sự thay đổi, trong đó chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng từ sau tháng 7/2011 và đi kèm với nó là các văn bản pháp quy liên quan đến phát triển thị trường được ban hành như các quy định về thị trường thế chấp thứ cấp, quỹ đầu tư BĐS, quỹ tiết kiệm tương hỗ BĐS... Khi đó thị trường BĐS có thể có những xung lực mới, tuy không bùng phát nhưng có thể đi lên vào cuối năm 2011.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản Thế Kỷ (CEN Group) khẳng định, BĐS Hà Nội có thể khởi sắc từ cuối năm 2011 khi đó những yếu tố của kinh tế vĩ mô được ổn định, đồng thời chính sách tiền tệ và tín dụng đặc biệt đối với bất động sản cũng sẽ được điều chỉnh.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN