Thị trường bất động sản ảm đạm: Thời điểm hút vốn đầu tư ngoại?

Cập nhật 03/11/2011 15:55


Thị trường BĐS có chiều hướng giảm do có những khó khăn nhất định. Trong ảnh: Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Images: Trần Việt
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang rơi vào tình trạng ảm đạm với việc nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp giảm giá bán sản phẩm tại các dự án.

Nhiều chuyên gia nhận định, BĐS đang quay về giá trị thực. Tuy nhiên, liệu giá trị thực này có thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài hay không, vẫn là một ẩn số.

Vốn nước ngoài giảm mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đầu tư trực tiếp của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến ngày 20/10 đạt 11.273,9 triệu USD, bằng 78,2% cùng kỳ năm 2010, trong đó vốn đăng ký 8.876,2 triệu USD của 861 dự án được cấp phép mới; vốn đăng ký bổ sung 2.397,7 triệu USD của 264 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 10 tháng của năm 2011 ước tính đạt 9,1 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2010.

Tính đến giữa tháng 9/2011, riêng vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt 277,19 triệu USD và vốn bổ sung 30 triệu USD. Đây là mức rất thấp so với 23,6 tỷ USD của năm 2008 và thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Năm 2010, với hơn 4.000 hộ gia đình nhận kiều hối, có tới 52% lượng kiều hối được dùng mua nhà đất. Lý giải về việc tỷ lệ đầu tư vào BĐS tư kiều hối luôn cao, ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, đó là do các chính sách của Chính phủ cho Việt kiều mua nhà đã "mở" hơn. Đồng thời, đầu tư vào BĐS khá hiện hữu và rõ ràng đối với Việt kiều, bởi giá trị gia tăng của BĐS trên chặng đường trung hạn là rất tốt so với hiệu quả làm ra đồng tiền tại nước ngoài. Tuy nhiên, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, từ đầu năm 2011 đến nay, lượng kiều hối đổ vào đầu tư trong lĩnh vực BĐS có dấu hiệu giảm so với các năm trước.

Điểm hút đầu tư?

Cũng theo đánh giá của ông Phan Thành Mai, sự sụt giảm này có nguyên nhân từ dư chấn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và lạm phát cao. Bên cạnh đó, có chiều hướng giảm do tình hình chung thị trường BĐS Việt Nam có những khó khăn nhất định. Nguồn vốn FDI nếu đầu tư vào lĩnh vực này sẽ là các dự án mới. Tuy nhiên, vì tính thanh khoản đối với BĐS ngay từ quý I/2011 đã khá chậm, giá trị gia tăng của không còn cao như trước, đồng thời các số liệu thống kê cho thấy, cung và cầu về nhà ở tại thị trường TP Hồ Chí Minh đã bão hòa từ 2010 và tại Hà Nội, một số phân khúc như nhà cao cấp trên 2.000USD/m2 cũng đã bão hòa. Việc có sự điều tiết của các nguồn vốn nước ngoài theo khuynh hướng giảm vào thị trường BĐS tại thời điểm quý II/2011 là bình thường.

Theo đánh giá của Công ty Savills VietNam, hiện thị trường BĐS tại Việt Nam vẫn là địa điểm hấp dẫn để đầu tư, có tiềm năng và có dân số trẻ. Dự báo, trong năm 2012, sẽ có nhiều quỹ đầu tư mới tham gia vào thị trường này đến từ các nước trong khu vực. Cùng chung quan điểm, các công ty tư vấn BĐS hàng đầu khác như Coldwell Banker VietNam và VinaCapital đều cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhắm đến tiềm năng của thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới, vì đây vẫn là thị trường có tiềm năng lớn trong trung và dài hạn.

Ông Phan Thành Mai nhận định: "Do giá trị BĐS tại thời điểm của quý IV/2011 có mức khá hợp lý, nên thị trường rất có thể lại là điểm hút với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới".

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị