Lâu nay trên thị trường bất động sản xảy ra nhiều trường hợp khách hàng mua nhà khiếu kiện chủ đầu tư về tiến độ thi công dự án.
Thế nhưng trong bối cảnh thị trường ảm đạm kéo dài, đến lượt nhiều chủ đầu tư buộc phải lập tổ đòi nợ, khởi kiện, thậm chí bán phá giá những căn hộ khách hàng không chịu nộp tiền hoặc không chịu đến nhận nhà.
Thị trường bất động sản ảm đạm, đến lượt chủ đầu tư kiện khách hàng. Ảnh: N.T.
|
Lập tổ đòi nợ khách hàng
Nhiều khách hàng mua nhà tại dự án chung cư FLC Landmark Tower - Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội), đang đứng ngồi không yên khi mới đây chủ đầu tư của dự án là Tập đoàn FLC liên tiếp gửi thông báo đòi thanh lý hợp đồng đối với những chủ căn hộ không chịu đến đóng tiền hoặc không đến nhận nhà.
Theo bản thông báo của chủ đầu tư, tòa chung cư đã hoàn thiện việc thi công và đáp ứng các điều kiện để đưa các căn hộ vào sử dụng. Vì thế, yêu cầu khách hàng mua căn hộ tới làm thủ tục nghiệm thu và nhận nhà.
Sau thời hạn, khách hàng nào chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, không đến nhận nhà ở thì chủ đầu tư sẽ bán căn hộ để thu hồi công nợ theo quy định của hợp đồng mua bán căn hộ.
Không chỉ ra thông báo đòi nợ khách hàng, đơn vị này sẽ bán thanh lý những căn hộ chậm nộp tiền, khách hàng không đến nhận bàn giao nhà để thu hồi nợ.
“Chúng tôi đã thành lập tổ xử lý công nợ với các kế hoạch hành động cụ thể. Trước tiên là thuyết phục khách hàng tới nhận bàn giao, thanh toán nộp nốt 30% căn hộ theo đúng hợp đồng. Những khách hàng chây ỳ không đến nhận bàn giao, không nộp nốt số tiền còn lại đúng theo hợp đồng tổ xử lý công nợ sẽ tiến hành xử lý căn hộ. Cụ thể, chúng tôi sẽ thanh lý căn hộ này cho bên thứ 3, trả lại phần tiền khách hàng đã nộp”, đại diện FLC cho biết.
Theo chủ đầu tư, trong tổng số 300 căn hộ hiện mới chỉ khoảng 20% khách hàng tới nhận bàn giao. Mỗi khách hàng còn nợ đợt nộp tiền cuối cùng là 30% giá trị căn hộ (tương đương trên dưới 1 tỷ đồng), nên tổng cộng số nợ trên 200 tỷ đồng.
“Đó là chưa kể chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các căn hộ đã xong, nhưng khách hàng không đến nhận nhà. Trong trường hợp chúng tôi bị chậm tiến độ thì khách hàng khiếu kiện, còn chúng tôi phải vay tiền ngân hàng để giải ngân theo tiến độ dự án. Giờ chúng tôi phải dùng các biện pháp mạnh để thu hồi”, đại diện FLC nói.
“Treo” hợp đồng
Theo lý giải của chủ đầu tư, nguyên nhân việc có nhiều khách hàng không đến nhận nhà là họ muốn cho hợp đồng đã ký ở dạng treo để không phải tiếp tục đóng đủ tiền.
“Hiện nay, có những người chây ỳ đến nhận bàn giao để chậm lại việc đóng nốt 30% đợt cuối, một số khách hàng nhận bàn giao nhưng không đến ở. Dự án chúng tôi đã hỗ trợ khách hàng ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng để tạo điều kiện cho khách vay vốn với lãi suất hợp lý. Nhưng các khách hàng cũng không muốn vay, mà họ chỉ muốn tìm mọi cách để trì hoãn việc đóng tiền. Nhưng chúng tôi sẽ căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng để xử lý những khách hàng chây ỳ”, ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC, cho biết.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, trong hợp đồng mua bán căn hộ ký kết giữa chủ đầu tư với khách hàng thông thường đều có điều khoản về việc bên mua, bên bán vi phạm các nghĩa vụ như: nộp tiền chậm, không đến nhận bàn giao nhà đúng thời hạn hay chủ đầu tư chậm tiến độ nhưng ít khi hai bên thực hiện đúng như điều khoản đã đề ra.
Đó chính là lý do khiến nhiều khách hàng lần khần việc nhận nhà, nộp nốt tiền, nhất là những khách hàng không có nhu cầu sử dụng thực sự mà chỉ mua để đầu cơ.
Lý do còn lại là khách hàng ỷ vào thị trường ảm đạm, chủ đầu tư cần khách hàng chứ khách hàng không cần chủ đầu tư.
“Trong bối cảnh thị trường ảm đạm kéo dài, chủ đầu tư bán được nhà là may mắn rồi. Còn nếu xử theo hợp đồng, ở những thời điểm thi công chủ đầu tư chậm tiến độ theo cam kết có bị ai xử lý đâu”, chị Hoàng Phương, một khách hàng, nói.
Luật sư Nguyễn Thế Công, Văn phòng Luật sư Công và đồng sự, nêu quan điểm: “Trong trường hợp này, nếu chủ đầu tư cương quyết thực hiện tuyên bố của mình là bán thanh lý các trường hợp vi phạm hợp đồng thì khách hàng sẽ gặp nhiều bất lợi, vì vậy, hai bên nên thương lượng sẽ tốt hơn là tranh chấp, kiện tụng. Bà Phạm Thị Huyền, Giám đốc Sàn bất động sản Info, cho rằng, động thái bỏ ngang dự án hoặc để hợp đồng ở dạng treo, chấp nhận nộp phạt là hành động để cắt lỗ trong bối cảnh hiện nay của nhiều nhà đầu tư. Thời điểm nhà đầu tư thu lời hàng trăm triệu đồng nhờ lướt sóng đã qua lâu rồi, nên họ buộc phải phá hợp đồng đã ký, chấp nhận đau một lần còn hơn ôm đống căn hộ xây xong mà không bán được cho ai, bà Huyền nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong