“Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng trong thời gian tới là phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai hiệu quả các chương trình nhà ở trọng điểm trên địa bàn”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã khẳng định như vậy tại Hội nghị tổng kết ngành Xây dựng mới đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ ngành và địa phương cần quan tâm kiểm soát thị trường bất động sản, không để xảy ra biến động bất thường, bong bóng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn: Internet
|
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trong năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch.
Lượng giao dịch tăng mạnh so với năm 2016, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có 64.263 giao dịch thành công; tồn kho tiếp tục giảm 17%, còn hơn 25.700 tỷ đồng. Điều đó cho thấy thị trường đang vào chu kỳ phát triển mạnh mẽ.
Nhiều kiến nghị với Chính phủ
Tuy nhiên, để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững, ông Nguyễn Trần Nam đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành một số nội dung trọng tâm về chính sách tín dụng, về phát triển nhà ở xã hội và các vấn đề công nhận tính pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Trần Nam cho biết dư nợ tín dụng hiện nay đang diễn biến trái ngược với những năm trước. Trước đây, tốc độ tăng trưởng chung 10 – 12% lĩnh vực bất động sản thường là 17 – 18%. Năm 2017, tăng trưởng tín dụng khoảng 19% tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chưa bằng một nửa. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 6%, trong khi mức an toàn là 8 – 10%.
Để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, làm đầu kéo các loại thị trường khác phát triển (thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, thị trường vốn, nguồn lực đất đai…), ông Nguyễn Trần Nam đã đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan điều hành chính sách tài chính – tín dụng linh hoạt hơn, mở rộng tín dụng hơn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản (lên mức 7-8%).
Liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, ông Nguyễn Trần Nam đánh giá việc triển khai tín dụng gói 30.000 tỷ đồng rất hiệu quả, nhưng đã kết thúc.
“Mặc dù Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ tiếp tục thực hiện gói ưu đãi tín dụng 1.200 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa được triển khai vì chưa bố trí được nguồn vốn”, ông Nam cho biết.
Trước tình hình này, ông Nam đã kiến nghị Chính phủ dành 600 tỷ đồng cho Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ nhà ở xã hội. Về lâu dài, đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, NHNN và các bộ, ngành liên quan có cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng/chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch đô thị để xác định cụ thể vị trí, diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với tỷ lệ hợp lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Về phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, ông Nam cho rằng condotel (căn hộ khách sạn), villa resort (biệt thự du lịch) là loại hình bất động sản mới xuất hiện tại Việt Nam. Do việc sở hữu chưa được điều chỉnh tại các luật có liên quan nên đã gây nhiều khó khăn trong việc quản lý.
Ông Nam kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần giải quyết các vấn đề như: Quy hoạch; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án; Quy chuẩn kỹ thuật và quy chế quản lý vận hành; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu, thời hạn sở hữu; Chuyển nhượng Hợp đồng mua bán; Sở hữu bất động sản du lịch của cá nhân nước ngoài.
Kiểm soát thị trường bất động sản
Đánh giá về tình hình bất động sản năm 2017, Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Lê Quang Hùng đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế như cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Một số loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel, shop-house… chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, có biểu hiện lợi dụng, thao túng của chủ đầu tư với khách hàng.
Việc triển khai một số chương trình phát triển nhà ở xã hội còn chậm và gặp nhiều khó khăn sau khi chấm dứt gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong khi lượng vốn bố trí hỗ trợ nhà ở xã hội (theo quy định của Luật Nhà ở) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 – 2020 rất thấp và triển khai chậm so với kế hoạch. Tiến độ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn chậm.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng trong thời gian tới là phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai hiệu quả các chương trình nhà ở trọng điểm trên địa bàn.
Trước sự phát triển của thị trường bất động sản trong những năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ ngành và địa phương cần quan tâm kiểm soát thị trường bất động sản, không để xảy ra biến động bất thường, bong bóng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng cần sớm hoàn thành Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”. Trước mắt tham mưu ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh