Đó là nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS) khi nhìn nhận về thị trường năm 2015. Với hàng loạt quy định mới từ các Luật sửa đổi sẽ giúp thị trường BĐS có chuyển biến tích cực nhưng sẽ đi vào thực chất và không tạo sốt như những lần trước đây.
Chuyển biến thị trường và những nghịch lý
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết điểm lại quá trình phát triển thị trường BĐS Việt Nam kể từ năm 1990 đến nay đã có 3 lần sốt. Đó là giai đoạn từ 1992-1993, giai đoạn 2001-2003 và từ 2007-2009. Điều này đã phản ánh những đặc trưng của nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Giá đất tăng từ thấp lên cao, khiến việc đầu tư vào BĐS mang lại hiệu quả bất ngờ cho nhiều người. Tình trạng tích trữ đầu cơ diễn ra phổ biến trong khi đó các chính sách quản lý đất đai còn chậm đổi mới, thiếu chuyên nghiệp và không phù hợp với sự phát triển nhanh của nền kinh tế - xã hội.
Sở dĩ có những tồn tại nêu trên là do thị trường BĐS phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế vĩ mô cũng như chính sách của Nhà nước. Trước đây, các chiến lược, quy hoạch không đồng bộ với hạ tầng, dịch vụ công cộng ở đô thị; không tính đến lợi ích, chi phí, rủi ro cũng như năng lực triển khai trên thực tế. Các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà ít để ý đến các vấn đề khác của xã hội, môi trường; cơ chế quản lý còn nhiều tồn tại gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng... Bên cạnh đó chưa có các cơ chế đầu tư tài chính dài hạn cho thị trường BĐS, nhất là nguồn vốn từ bên ngoài.
Thị trường BĐS sẽ hết thời ăn xổi (Ảnh minh họa)
|