Thi công công trình làm nứt nhà dân: Sốt sắng dân nhờ, thờ ơ dân chịu!

Cập nhật 20/03/2009 11:15

Thời gian qua tại TP.HCM có nhiều công trình thi công gây nứt nhà dân. Ở một số công trình, đơn vị thi công và chính quyền địa phương tỏ ra có quan tâm đến việc này nhưng cũng có một số nơi im lặng...

Ngày 14-3, UBND quận 8 tiến hành kiểm tra và di dời gấp hộ dân đang sống trong căn nhà 6D Bến Cần Giuộc (P. 11), đây là ngôi nhà bị hư hại do tác động của việc thi công công trình cầu Chà Và thuộc dự án đại lộ đông tây. Ban đầu cột nhà chỉ nứt một đường khoảng 0,5cm nhưng đến ngày 13-3, khi đơn vị thi công cầu rút hàng rào cọc sắt cách dãy nhà khoảng 4m thì cột nhà nứt to đến mức muốn gãy đôi, tường nghiêng và đà nhà cũng nứt.

Hồi hộp lo sập nhà

Không riêng gì nhà số 6D, có đến gần 10 căn nhà cách công trình cầu Chà Và khoảng 15m (cùng ở đường Bến Cần Giuộc) cũng bị nứt tường, hở nền gạch… Sau khi nhận được thông tin, Phòng Quản lý đô thị Q.8 đã khảo sát nhanh hiện trường, kiểm tra sơ bộ các căn nhà bị ảnh hưởng và đề xuất di dời ngay người dân trong căn hộ 6D.

Ngày 17-3, UBND quận 8 đã có văn bản báo cáo sự việc lên Sở Xây dựng. Trong báo cáo, quận yêu cầu Sở Xây dựng làm việc với ban quản lý dự án đại lộ đông - tây để bàn việc bồi thường thiệt hại cho người dân. Trước đó, Phòng Quản lý đô thị Q.8 và UBND P.11 cũng đã mời đơn vị thi công đến làm việc nhưng đơn vị này không đến. UBND Q.8 sẽ tiếp tục mời các bên liên quan đến bàn cách khắc phục sự cố .

Ngày 15-3, những hộ dân trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố (P.22, Q.Bình Thạnh, bị ảnh hưởng do thi công công trình cầu Thủ Thiêm) cho biết đã có hai hộ ở khu vực này phải thuê nhà sống ở nơi khác, bốn hộ cũng đang định chuyển đi vì nhà bị nứt quá nhiều.

Theo chủ nhà 6N/12A Ngô Tất Tố, ban đầu nhà ông chỉ có bảy vết nứt nhưng mấy ngày qua đã tăng lên 40 vết nứt khiến gia đình vô cùng lo lắng. Đơn vị thi công công trình này là Tổng công ty Xây dựng số 1 đã khảo sát những nhà bị nứt tường. Theo lời người dân, công ty có họp với dân và hứa sẽ thuê kiểm định thiệt hại để bồi thường; đồng thời hứa sẽ khảo sát nhanh và có phương án di dời nếu thấy nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Theo phản ảnh của các hộ dân ở gần công trình thi công giếng S36 tại đường Trường Sa (P.15, Q.Bình Thạnh), từ mấy tháng nay nhà của họ bị nứt tường rất nhiều. Bức tường trên gác căn nhà số 110/10 Trường Sa bị một vết nứt kéo dài đến 10m từ trước ra sau, đó là chưa kể một vết nứt khác vắt chéo ở góc tường phía sau đang muốn tách rời phần tường này ra khỏi căn nhà.

Riêng nhà số 110/1 Trường Sa thì gần như bị nghiêng về phía kênh Thị Nghè, trong nhà tắm nước đọng hẳn về một bên và không thoát vào cống như bình thường. Còn vết nứt tường của nhà số 110 lại rộng đến gần 2cm, chủ nhà đã trám ximăng nhưng vết nứt vẫn ngày càng dãn ra. Người dân ở đây cho biết nhà của họ bắt đầu bị nứt từ trước tết âm lịch, nặng nhất là thời gian công trình giếng S36 bắt đầu đào sâu.

Giữa tháng 2-2009, UBND P.15 (Q.Bình Thạnh) đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải và Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP đề nghị khảo sát các nhà dân bị nứt do thi công giếng S36 và có biện pháp giải quyết. Sở Giao thông vận tải TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân, nhanh chóng phục hồi toàn bộ hư hỏng, thiệt hại do việc thi công công trình gây ra. Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TP cũng đã tổ chức buổi họp với nhà thầu thi công là liên doanh TMEC - CHEC 3 (Trung Quốc). Tuy nhiên nhà thầu này không thừa nhận việc nứt nhà dân là do ảnh hưởng của thi công.

Các cơ quan chức năng đề nghị thuê đơn vị kiểm định để tìm nguyên nhân hư hỏng nhà dân, làm cơ sở giải quyết nhưng nhà thầu cũng không đồng ý với đề nghị này. Ngày 12-3, ông Lưu Văn Cường, chủ tịch UBND P.15, hứa sẽ đôn đốc chủ đầu tư công trình khảo sát các nhà dân bị hư hỏng. Thế nhưng đến ngày 17-3, người dân cho biết vẫn chưa có đơn vị nào xuống khảo sát.

Chủ đầu tư bỏ tiền bồi thường trước

Ông Bùi Trung Dung - phó cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho rằng khi chuẩn bị thi công một công trình nào đó chủ đầu tư phải có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận, có hồ sơ khảo sát hiện trạng những công trình xung quanh trước khi khởi công. Chủ đầu tư phải thuê đơn vị tư vấn để khảo sát, lên phương án thi công an toàn và tự chịu trách nhiệm về phương án đó.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra công trình, nếu không có hồ sơ khảo sát và phương án bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận thì kiên quyết không cho thi công. Trường hợp đang thi công mà xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến các công trình lân cận, chủ đầu tư phải có ngay phác đồ xử lý sự cố, không để thiệt hại nhiều hơn. Nếu thực hiện đúng như vậy sẽ không có chuyện tranh cãi về nguyên nhân gây ra lún, nứt...

Tuy nhiên, theo ông Dung, trên thực tế ít có đơn vị thi công hay chủ đầu tư khảo sát hoặc có khảo sát nhưng làm không kỹ nên rất khó xử khi xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến các công trình xung quanh. Nếu xác định được việc lún, nứt nhà dân do thi công công trình, trước hết chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường cho dân, sau đó chủ đầu tư có thể yêu cầu các đơn vị thi công hay đơn vị tư vấn trả lại số tiền này. Nếu đơn vị thi công hay chủ đầu tư cho rằng người dân quá đáng khi đòi bồi thường thiệt hại thì hai bên có thể nhờ tòa án giải quyết.

Luật sư Lê Đình Phạt (trưởng văn phòng luật sư Lê Đình):

Có thể khởi kiện ra tòa

Nếu đơn vị thi công làm nứt nhà, nứt tường của dân thì phải có trách nhiệm bồi thường. Trường hợp các bên không thỏa thuận được việc bồi thường, tòa án sẽ giải quyết khi có đơn khởi kiện của một bên. Phải có cơ quan độc lập kiểm định để biết được nguyên nhân thiệt hại do đâu, mức độ hư hỏng và việc tính thành tiền để sửa chữa như thế nào... Việc thuê đơn vị kiểm định sẽ do bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì đưa ra tòa, lúc này tòa sẽ trưng cầu kiểm định. C.Q.


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO