Rất nhiều ý kiến lo ngại thép Posco vào vịnh Vân Phong sẽ phá vỡ qui hoạch cảng trung chuyển quốc tế (CTCQT) và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đừng bỏ lỡ cơ hội mời gọi một nhà đầu tư lớn như Posco vào đây.
Tôn trọng ý kiến nhiều chiều và để cùng bàn kỹ ở nhiều góc độ, Báo giới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thiết Hùng (ảnh), chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Khánh Hòa, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, người đã được mời sang Hàn Quốc tham quan công nghệ thép của Posco.
* Thưa ông, có nên để Posco xây nhà máy thép ở khu vực Đầm Môn (vịnh Vân Phong)?
Hàn Quốc được như ngày nay là nhờ công nghiệp hóa với những quyết sách táo bạo, ta cần tham khảo. Khánh Hòa đã trả giá hàng chục năm lãng phí vì dùng dằng trong khai thác tiềm năng Vân Phong.
Trước khi được qui hoạch làm CTCQT, Vân Phong được qui hoạch là trung tâm du lịch quốc gia. Nhưng tới nay cũng mới lèo tèo. Vân Phong vẫn bị bỏ hoang, lãng phí lắm.
Một lãnh đạo Posco nói bóng bẩy: có hai cô gái đẹp, một cô ở Ấn Độ và một cô là Vân Phong của VN. Người ta nói như vậy nghĩa là họ không chỉ có mỗi Vân Phong để lựa chọn. CTCQT mới chuẩn bị khởi động, còn nhiều chục năm nữa mới phát huy hiệu quả.
Nhà máy thép (giai đoạn 1) nộp thuế khoảng 270 triệu USD/năm trong thời gian xây dựng, đi vào sản xuất (năm 2012) nộp 474 triệu USD/năm. Trong lúc chờ CTCQT, tại sao không biết tận dụng thời gian làm thép? Nhà máy thép là "phạm trù lịch sử", chỉ 50 năm. CTCQT là "phạm trù vĩnh viễn".
* Tại sao Posco chỉ muốn vào Đầm Môn mà không phải nơi nào khác?
Các nhà máy cần nguyên liệu khổng lồ đều phải bám cảng nước sâu. Posco mua quặng tận Brazil, Nga và Úc, phải dùng tàu cỡ 250.000-300.000 tấn mới hạ cước vận tải, cạnh tranh được với thép Nga, Trung Quốc, châu Âu.
Tôi còn nhớ phía Hàn Quốc đã nói với tôi: tàu 1 vạn tấn chở cát từ Ba Ngòi về Seoul thì cước 13 USD/tấn. Tàu 3 vạn tấn thì chỉ còn 9 USD. Tàu 25-30 vạn tấn và quãng đường xa như Brazil thì hiệu quả sẽ còn tới đâu. Nói làm thép ở đâu cũng được là chưa hiểu thép.
* Ông có nghĩ đến vấn đề chất thải, nguy cơ ô nhiễm môi trường do nhà máy thép?
Trước khi sang Hàn Quốc tham quan nhà máy thép của Posco, không chỉ tôi, tất cả thành viên khác cũng nghi ngại chuyện chất thải, ô nhiễm. Có đi mới biết, từ chỗ học tập công nghệ châu Âu, Posco đã nghiên cứu thành công công nghệ Finex, giảm thiểu đáng kể chất thải nguy hại. Nhà máy của họ rất sạch.
TS Nguyễn Thiết Hùng.
TP du lịch chỉ cách tường nhà máy 400m. Khói nhà máy được lọc, hấp thu phần lớn bụi và các chất độc hại trước khi thải lên trời, giảm so với công nghệ truyền thống từ 72-99% tùy từng chất. Hệ thống cảm biến theo dõi môi trường được bố trí đầy đủ và nối mạng với trung tâm. Tôi hỏi chuyện mưa axit, họ nói TP của họ chưa hề có mưa axit. Xỉ đặc thải ra cứng như đá cuội, ban đầu chỉ đem lấp biển lấy mặt bằng, bây giờ còn dùng làm nguyên liệu sản xuất ximăng.
Nhưng cho dù công nghệ có hiện đại cũng không thể nói nhà máy hoàn toàn không thải chất ô nhiễm. Nếu coi tiêu chuẩn môi trường của VN (năm 2005) giới hạn các khí thải nhà máy thép là 100% thì Hàn Quốc chỉ cỡ 60-70%, công nghệ Posco chỉ cỡ 25-30%.
*
Có thể họ làm ở xứ họ thì khá sạch, do hệ thống và thực thi pháp luật xứ họ khá nghiêm ngặt, nhưng sang ta liệu có khác? Nhiều người vẫn nhắc chuyện ô nhiễm xỉ đồng (nix) ở nhà máy tàu biển Hyundai-Vinashin. Posco cam kết áp dụng công nghệ Finex ở Vân Phong. Ta có cơ quan giám sát môi trường của ta. Có sai lầm trong chuyện nix, và đang được khắc phục. Nhưng không lẽ cứ lặp lại mà chẳng hề rút kinh nghiệm? Nix là chuyện cũ, đem gán sang chuyện tương lai, đâu có công bằng?
*
Không chỉ ngành hàng hải quan ngại sự xuất hiện của nhà máy thép ở Vân Phong. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và công chúng cũng bày tỏ lo lắng? Nhà máy thép sử dụng đất trên dưới 1.000ha. Vân Phong rộng 150.000ha, còn mênh mông bát ngát. Dĩ nhiên làm nhà máy thép ở đó thì du lịch, dịch vụ tài chính, hậu cần cảng, khi làm phải nhích đi chỗ khác. Còn về doanh thu du lịch, TP công nghiệp - cảng cũng là nơi du lịch dạng shopping.
Một số người nói mất cảng tàu khách 1,1 triệu khách quốc tế/năm sẽ xây dựng ở Sơn Đừng. Vân Phong còn nhiều chỗ có thể bố trí cảng tàu du lịch.
Hơn nữa, bao giờ lượng khách đến Vân Phong đuổi kịp Nha Trang? Trong khi Nha Trang năm 2007 đón có 16.000 khách, cảng phí thu mỗi tàu to cũng chỉ được 3.000-4.000 USD! Nguồn thu từ du lịch nhìn chung nhỏ hơn nhiều so với từ công nghiệp. Khi nào Vân Phong trở thành trung tâm tài chính khu vực mới nên làm cảng tàu khách du lịch cỡ đó.
*
Ông có nghiêng về thép mà xem nhẹ CTCQT không? Nhiều người vẫn giữ quan điểm: hoặc thép, hoặc cảng, chứ không thể vừa thép, vừa cảng, chưa nói đến những người kiên quyết từ chối thép? Tôi là một trong nhóm người đầu tiên thuyết phục trung ương qui hoạch xây dựng CTCQT ở Vân Phong. Tôi biết tầm vóc và vai trò to lớn của CTCQT đối với tương lai đất nước. Nhưng tôi cũng biết quá trình để Vân Phong thành một CTCQT đúng nghĩa còn nhiều chục năm nữa.
Trong khi thiết kế giai đoạn khởi động của CTCQT Vân Phong là đón được tàu 6.000 TEU, có thể 9.000 TEU - nhưng phải có tàu lai dắt cẩn thận, thì ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có tới năm cảng thiết kế 6.000 TEU. Cảng trung chuyển là cảng gom hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước trong giao thương với thế giới.
Mặc dù năm cảng phía Nam không được công nhận là cảng trung chuyển, nhưng trên thực tế chúng đã làm công việc của cảng trung chuyển, vì chúng ở gần chân hàng là TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long. Còn Vân Phong thì sao? Hiện thời lấy đâu nhiều hàng từ các tỉnh lân cận để đủ tàu 6.000 TEU ăn hàng ở Vân Phong.
*
Như vậy, không cần thiết có CTCQT Vân Phong? Sao lại không? Vai trò của CTCQT Vân Phong là không thể thay thế. Hồi làm phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách của Quốc hội, tôi đọc thống kê của 20 năm, thấy TP.HCM liên tục gấp đôi Hà Nội về thu ngân sách. Thu nội địa thì xấp xỉ nhau. TP.HCM hơn là nhờ thu xuất nhập khẩu vì có cảng. Không phải là CTCQT đã vậy, CTCQT còn tới đâu!
Tôi nghĩ, để đi đến chủ trương cho Posco lập dự án đầu tư nhà máy thép ở Vân Phong, Chính phủ đã được các bộ ngành cân nhắc, nghiên cứu, đề xuất. Chính phủ vẫn xác định vai trò chủ đạo của CTCQT Vân Phong, yêu cầu khởi công kịp tiến độ. Nếu CTCQT đã có nhu cầu toàn bộ khu vực, Chính phủ không bao giờ cho nhà máy thép vào, tôi nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là cách xử lý bước đi. Theo tôi, làm kinh tế phải theo phương châm: chỗ nào dễ "gặm", ta "gặm" trước, nhưng không để ảnh hưởng đến toàn cục.
Chuyện Vân Phong cũng vậy, trong khi CTCQT còn lâu mới sử dụng phần lớn khu vực có thể làm cầu cảng, còn rất lâu mới phát huy vai trò tác dụng, không lẽ ta cứ để lãng phí tài nguyên địa lý trời cho và cơ hội bên ngoài đưa lại như vậy? Phải biết tận dụng sao cho hiệu quả chứ! Còn ảnh hưởng ư? Cái gì cũng có hai mặt, chẳng có gì hoàn hảo. Vấn đề là xem xét thiệt hơn cụ thể trong từng trường hợp.
Theo Tuổi Trẻ