Thép Posco vào Vịnh vân Phong, Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Của để dành cho con cháu chúng ta

Cập nhật 18/03/2008 08:00

Sự chọn lựa nào cho Vân Phong: thép hay cảng hay du lịch? Điều đó vẫn còn đang tranh luận. Nhưng chắc chắn một điều là sự lựa chọn tối ưu phải bảo đảm cả hai điều kiện: không tàn phá, hủy hoại môi trường và lợi ích quốc gia trên hết - chứ không phải lợi ích ngành hay địa phương. Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt còn mở ra một hướng mới: hãy để dành đó nếu thế hệ hôm nay chưa đủ sức khai thác nguồn tài nguyên quí giá này.

* Đã từng khảo sát vịnh Vân Phong thời ông làm thủ tướng, theo ông, nên khai thác Vân Phong như thế nào cho hiệu quả nhất?

Tôi đã đọc loạt bài đăng trên báo Tuổi Trẻ có liên quan đến vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Dưới góc độ là người từng tham gia quản lý ở cấp quốc gia, tôi đồng tình với việc phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định cho Posco đầu tư nhà máy thép ở khu vực này.

Năm 1993-1994, có dịp trực tiếp nghiên cứu khá kỹ về vịnh Vân Phong, các đảo và khu vực xung quanh trên biển và trên không từ trực thăng, tôi thấy nơi đây cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, nếu đầu tư đúng mức có thể kết nối với thành phố du lịch Nha Trang.

Các chuyên gia du lịch Malaysia cũng đã nghiên cứu và đánh giá rất cao tiềm năng du lịch nơi đây, nếu so sánh với những điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực thì Vân Phong có nhiều ưu thế hơn. Nếu Vân Phong trở thành trung tâm du lịch sinh thái lớn, gắn liền với các cụm du lịch Nha Trang có thể nói rất lý tưởng. Bởi vậy, trước đây chúng tôi đã quyết định chuyển dự án nhà máy lọc dầu của Total ra Dung Quất, và cũng không đưa các cơ sở công nghiệp khác vào đây.

* Thưa ông, có vị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho rằng địa phương đã rất cố gắng kêu gọi đầu tư du lịch ở Vân Phong nhưng không được mấy nên không thể để lãng phí tiềm năng, tài nguyên mãi như vậy?

Không phải bất cứ nơi nào tốt cũng đưa hết ra sử dụng cùng một lúc bất kể giá nào. Tiềm năng mà không được khai thác đúng mục đích, đúng thời điểm sẽ lãng phí hơn gấp nhiều lần, đất đai cũng vậy. Dự trữ tài sản của một quốc gia không chỉ là tiền bạc mà còn là đất đai và các tài nguyên thiên nhiên, lợi thế tự nhiên khác.

Đó là của để dành cho con cháu chúng ta mai sau. Nếu tin rằng đất nước còn phát triển hơn gấp nhiều lần hiện nay thì tại sao không nghĩ giá trị ở những khu vực như vậy sẽ tăng hơn nhiều lần trong những năm tới. Như thế sao gọi là lãng phí vì tiềm năng này có mất đi đâu?

Chúng ta phải biết từ chối khôn ngoan những gì phải trả giá quá đắt, nhất là môi trường và hệ sinh thái bị phá, cái giá phải trả để khôi phục còn gấp hơn nhiều lần nguồn lợi thu được, mà không phải cái nào cũng khôi phục được. Nhà máy sửa chữa tàu của Hyundai Vinashin nằm ở phía nam vịnh Vân Phong cũng đã trong tình trạng tương tự. Không phải muốn làm các công trình ở nơi đâu cũng được, bất kể các tác động liên quan.

Trong những năm trước có thể chấp nhận thu hút đầu tư các ngành nghề gia công như may mặc, giày dép, kể cả đóng mới vỏ tàu..., nhưng bây giờ các ngành gia công theo chiều rộng, quá rộng nên được xem lại. Cái cần hiện nay là thu hút các ngành công nghệ cao, dịch vụ... tạo ra giá trị hàng hóa lớn có vị trí trên thị trường. Không thể vội vàng, không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá.

* Khi đồng ý chủ trương cho Posco tiến hành dự án nhà máy thép liên hợp tại bán đảo Hòn Gốm, vịnh Vân Phong, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa lập luận rằng nếu nhà đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn môi trường VN thì hoàn toàn yên tâm?

Tôi thấy không lấy gì đảm bảo được vì bài học Hyundai Vinashin đã quá rõ ràng. Nhà đầu tư này cam kết không gây ô nhiễm môi trường khi đến làm ăn ở vịnh Vân Phong. Nhưng vừa qua lòi ra chuyện ô nhiễm, theo tôi biết phải mất 5-7 năm mới có thể khắc phục. Nếu họ không khắc phục được thì phải tính toán cho di dời. Nếu không xem xét nghiêm túc thì hệ quả môi trường dân ta phải gánh chịu lâu dài. Các khu công nghiệp của mình chưa phát triển bao nhiêu đã phải trả giá cho chuyện này rồi.



Khối lượng chất thải nix tại Nhà máy
Hyundai Vinashin ở phía nam vịnh Vân
Phong vẫn đang lớn dần theo thời gian
(đến nay khoảng hơn 700.000 tấn), đang
làm ô nhiễm đất, nước ngầm, nước
biển xung quanh khu vực nhà máy ngày
càng nghiêm trọng.

* Nhưng thưa ông, Tập đoàn Posco không đồng ý nơi khác, ngoài bán đảo Hòn Gốm - vịnh Vân Phong?

Thời tôi làm thủ tướng và kể cả về sau này đã có trao đổi với Posco khá nhiều lần. Tôi khuyến khích họ nên đầu tư vào luyện thép ở mấy cảng nước sâu như Vũng Áng, Vũng Rô, Phú Mỹ... Sau này Posco chọn Phú Mỹ, nhưng họ lại thay đổi, chỉ đầu tư nhà máy cán thép chứ không luyện phôi như đã hứa với tôi.

Vịnh Vân Phong đã có hai nhà máy sửa chữa, đóng tàu qui mô lớn là Hyundai Vinashin và Nhà máy STX (cũng Hàn Quốc) mới được cấp phép, cách không xa "người anh em" Hyundai Vinashin. Nay người ta cố nhét thêm nhà máy thép Posco ở phía bắc Vân Phong, phải chăng để biến toàn bộ khu vực này thành một cụm "liên hợp" của Hàn Quốc?

* Nhà máy đóng tàu xuất hiện ở rất nhiều nơi cho thấy công nghiệp đóng tàu và Tập đoàn Vinashin đang được ưu tiên tập trung đầu tư?

Theo tôi, đóng tàu cũng là một ngành kinh tế lớn của nước ta, tiền thân của cái tên Tập đoàn Vinashin là từ tổng công ty 91. Chúng ta cần có thời gian quá độ biến ngành này từ gia công đi lên một ngành kinh tế kỹ thuật cao, phải có qui hoạch và chiến lược phát triển để có thể sớm đóng mới toàn bộ tàu, đi vào chiều sâu, hơn là rải rộng như hiện nay gần như tỉnh nào ven biển cũng xin đóng tàu, xây cảng. Chúng ta tiến tới phải có một đội tàu mạnh trong tương lai, đó là mục tiêu để phấn đấu tuy đã trễ.

* Thưa ông, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, có nên làm cảng trung chuyển quốc tế ở Vân Phong - nơi mà nhiều người cho rằng rất lý tưởng cho một cảng nước sâu?

Tôi không có nhiều thông tin về dự án cảng trung chuyển. Theo tôi, dự án này cũng phải đảm bảo không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường vịnh Vân Phong, kể cả môi trường nuôi trồng thủy sản. Đây là hai vấn đề tiên quyết và phải hết sức cân nhắc. Khu vực Vân Phong không nên ưu tiên cho các hoạt động công nghiệp mà nên tập trung cho du lịch và dịch vụ cao cấp.

Trở lại vấn đề cảng biển, đúng là hệ thống cảng từ Bắc chí Nam của chúng ta hiện nay không có một cảng nước sâu nào dành cho tàu trọng tải lớn chở hàng hóa trực tiếp đi Mỹ, châu Âu... Hàng hóa cứ phải trung chuyển qua Singapore, Hong Kong. Cũng giống như khu công nghiệp, cảng được xây khắp nơi, trong khi lẽ ra nên làm tập trung vào một hai cảng lớn. Đó là những vấn đề phải tính trung hạn và dài hạn. Muốn phát triển theo con đường Đông Á hay Đông Nam Á thì điều quan trọng là tầm nhìn, chứ không phải chỉ tranh nhau những công trình, dự án cụ thể.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

"Dự trữ quốc gia không chỉ là tiền bạc mà còn là tài nguyên, giá trị đất đai và các lợi thế tự nhiên"


Theo Tuổi Trẻ