Thép Posco vào Vân Phong: Không chỉ phá vỡ qui hoạch cảng

Cập nhật 11/03/2008 08:00

Tập đoàn thép Posco dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha mặt đất, mặt nước ở vũng Đầm Môn, bán đảo Hòn Gốm (phía bắc khu kinh tế Vân Phong). Trao đổi với Báo giới xoay quanh vấn đề nóng bỏng này, PGS.TS Phạm Văn Cương - phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải (Hải Phòng) - nói:

Nếu Posco xây dựng nhà máy luyện thép tại bán đảo Hòn Gốm sẽ ảnh hưởng đến dự án xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế, và như vậy qui hoạch sẽ bị phá vỡ. Theo tôi, tác động của nhà máy luyện thép sẽ gây ô nhiễm môi trường cho khu cảng trung chuyển, du lịch, dịch vụ của khu kinh tế tổng hợp Vân Phong.

* Thưa ông, có thể phát triển song song cả dự án thép và dự án cảng trung chuyển quốc tế?

Vịnh Vân Phong chỉ có một, duy nhất có lợi thế của cảng trung chuyển quốc tế của VN, chúng ta sử dụng nó vào mục đích này thì phải hi sinh cho mục đích khác. Nếu xây dựng nhà máy luyện thép thì chúng ta tiến hành được công nghiệp hóa ngành đóng tàu (ngành công nghiệp ống khói - gây ô nhiễm môi trường và sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên). Chúng ta phải hi sinh du lịch, dịch vụ cảng trung chuyển, nuôi trồng hải sản, đồng thời hi sinh trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại trong tương lai sẽ hình thành tại đây.



PGS.TS Phạm Văn Cương.

Chỉ nên chọn một trong hai phương án sử dụng vịnh Vân Phong hoặc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (phát triển kinh tế dịch vụ và tri thức - nền kinh tế của tương lai), hoặc xây dựng nhà máy luyện thép (phát triển kinh tế công nghiệp - nền kinh tế hiện tại).

Để chọn phương án nào phải tính toán thật chi tiết, tỉ mỉ chi phí, cơ hội và hiệu quả của cả hai cơ hội đầu tư, sau đó so sánh và lựa chọn cơ hội đầu tư có lợi nhất. Quyết định tối ưu là nên xây dựng nhà máy luyện thép ở vị trí khác, không phải là Vân Phong.

* Cấp thẩm quyền đã đồng ý cho lập dự án phát triển công nghiệp thép tại khu qui hoạch cảng trung chuyển quốc tế, chấp nhận "cắt" một phần tuyến bờ và gần 1.000ha đất, một phần đô thị đa chức năng để dành cho thép. Ông nghĩ gì về sự lựa chọn này?

Hiệu quả của mọi dự án phải tính trên cả góc độ kinh tế và xã hội, tầm ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Nếu xây dựng nhà máy luyện thép, trước mắt chúng ta thu hút được hơn 10 tỉ USD, tạo điều kiện cho ngành công nghiệp đóng tàu phát triển, thu được thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho ngân sách nhà nước, tạo được hàng nghìn việc làm cho người lao động.

Nhưng cái mất của chúng ta là mất cơ hội vàng để phát triển cảng trung chuyển quốc tế, xây dựng và phát triển trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại lớn trong tương lai. Nếu thực hiện cả hai dự án thì chắc chắn cảng trung chuyển mất diện tích phát triển và khu du lịch, dịch vụ cũng không thể phát triển tốt được. Nền kinh tế VN phải trải qua giai đoạn công nghiệp hóa, nhưng không thể công nghiệp hóa bằng mọi giá.

* Thưa ông, cũng phải có cái giá phải trả để thu hút đầu tư một dự án lớn mang tính chiến lược?

Bất kỳ dự án kinh tế lớn nào tại vịnh Vân Phong đều phải tính đến hiệu quả kinh tế, xã hội; đều phải đánh giá tác động của nó tới môi trường sinh thái, môi trường chính trị, an ninh - quốc phòng, môi trường kinh tế của địa phương và cả quốc gia trong tương lai.

Chúng ta không chỉ vì mối lợi trước mắt. Nền kinh tế công nghiệp mà chúng ta đang xây dựng hiện nay cần rất nhiều nhà máy, công xưởng. Trên đất nước chúng ta có nhiều nơi xây dựng được các nhà máy, công xưởng đó, nhưng để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế chỉ có một Vân Phong, Khánh Hòa mà thôi.

Tương lai chúng ta sẽ phải xây dựng nền kinh tế dịch vụ và tri thức. Đâu là điểm tựa cho nền kinh tế dịch vụ và tri thức của VN trong tương lai, đó chính là cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Khánh Hòa.

* Nếu dự án nhà máy thép vẫn được quyết dành một phần qui hoạch cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và các qui hoạch "hậu cần" của cảng, theo ông, trong trường hợp này dự án cảng còn có thể phát triển bình thường và đạt hiệu quả cao nhất?

VN là quốc gia biển, nền kinh tế của VN trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, phát triển ngành kinh tế biển cụ thể nào: vận tải biển, khai thác cảng biển, đóng tàu, khai thác dầu khí, du lịch biển, thủy sản phải được hoạch định thật chính xác, khoa học, tránh chủ quan, duy ý chí, đi ngược lại qui luật khách quan của nền kinh tế.

Toàn bộ các cảng hiện có của VN và dọc bờ biển VN duy nhất có vịnh Vân Phong là nơi hội tụ được cả hai ưu điểm, vừa có độ sâu lý tưởng trên 22m, vừa là một giao điểm giữa các trục hàng hải bắc - nam và đông - tây để xây dựng thành một cảng trung chuyển container quốc tế trong mười năm tới.

Cảng sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ

Nếu Vân Phong trở thành cảng trung chuyển container quốc tế thì nơi đây chắc chắn sẽ trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại lớn của thế giới. Thực tiễn đã chứng minh ở đâu có cảng trung chuyển quốc tế lớn thì ở đó sẽ trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại lớn (cảng Singapore, Hong Kong...).

Nền kinh tế của các quốc gia phát triển trên thế giới đang chuyển sang nền kinh tế tri thức (sản phẩm mềm là chủ yếu trong GDP). Chúng ta hiện đang xây dựng nền kinh tế công nghiệp, nhưng tương lai chắc chắn phải xây dựng nền kinh tế dịch vụ (sản phẩm dịch vụ là chủ yếu trong GDP) và tri thức.

Nơi giáp ranh trục hàng hải quốc tế

Singapore hiện nay bắt đầu phải đối mặt với việc Thái Lan có dự án đào kênh Kra nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Khi đó, đường hàng hải quốc tế từ Tây sang Đông và ngược lại sẽ chủ yếu đi qua vịnh Thái Lan, sẽ rất gần với lãnh hải VN về phía nam mũi Cà Mau, rồi nhập vào trục hàng hải quốc tế Bắc - Nam, Nam - Bắc vốn chạy rất sát vùng biển cực đông của VN, tức là tỉnh Khánh Hòa, nơi có vịnh Vân Phong.


Theo Tuổi Trẻ