​Thêm thủ tục xin phép xây dựng

Cập nhật 25/09/2014 08:22

Theo Luật xây dựng năm 2014 (Luật xây dựng sửa đổi, có hiệu lực ngày 1-1-2015), người xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ phải nộp bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Tới đây, người xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ như thế này phải nộp thêm văn bản cam kết bảo đảm an toàn cho công trình liền kề - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều chuyên gia và các cán bộ cấp giấy phép xây dựng (GPXD), quản lý xây dựng cho rằng yêu cầu trên là thừa, không cần thiết.

Không cần thiết

Theo quy định hiện hành, hồ sơ xin GPXD cho nhà ở riêng lẻ chỉ cần ba loại giấy tờ: đơn xin cấp phép, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và bản vẽ thiết kế. Luật xây dựng năm 2014 yêu cầu trong trường hợp nhà có công trình liền kề thì chủ nhà phải nộp thêm bản cam kết bảo đảm an toàn cho công trình liền kề.

Tại hội nghị góp ý xây dựng nghị định hướng dẫn Luật xây dựng tại TP.HCM vừa qua, ông Hoàng Thọ Vinh - phó vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng - cho rằng cần thiết phải có quy định nói trên.

Theo ông Vinh, trước đây quy định phải có sự đồng ý bằng văn bản của các chủ nhà liền kề mới được xây dựng nhưng thực tế đã không thể thực hiện được. Nay quy định giản lược, chỉ cần chủ nhà cam kết bảo đảm an toàn cho các công trình lân cận để tránh phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn khi có thiệt hại xảy ra. Trước mắt, văn bản cam kết phải có chứng thực chữ ký của UBND xã, phường...

Một phó chủ tịch phụ trách đô thị của một huyện tại TP.HCM đặt vấn đề: nếu buộc người dân xây nhà nộp bản cam kết với UBND huyện khi xin GPXD thì khi có thiệt hại xảy ra cho công trình lân cận, UBND huyện có chịu trách nhiệm hay không? Vị này cho biết theo thủ tục hiện hành, chủ nhà không có văn bản cam kết nhưng khi xảy ra lún, sụt, nứt, hư hại cho nhà bên cạnh..., chủ nhà vẫn bị ngưng thi công hoặc bị xử phạt tùy mức độ.

Đến khi hai bên thỏa thuận xong hoặc tòa án tuyên về mức bồi thường thì chủ nhà mới được thi công lại. Thậm chí, có trường hợp chủ nhà đang xây tự bỏ tiền ra khắc phục thiệt hại cho hàng xóm, không cần đến cơ quan chức năng vào cuộc...

Đồng tình với quan điểm trên, một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho rằng thủ tục trên là thừa và không cần thiết. Hiện tại, những quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đã ràng buộc trách nhiệm của người xây nhà đối với các công trình lân cận.

Các quy định về xây dựng cũng buộc chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về chất lượng công trình xây dựng cũng như an toàn trong quá trình thi công.

“Buộc người dân nộp thêm cam kết là tăng thêm một đầu thủ tục trong hồ sơ cấp GPXD” - vị này nói.

Tránh phát sinh mâu thuẫn?

Theo ông Bùi Trung Dung - cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), việc “cam kết đảm bảo an toàn với công trình lân cận đối với công trình xây chen” (đã nêu tại khoản d, điểm 1, điều 95 Luật xây dựng năm 2014) là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và tránh phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp trong hoạt động xây dựng.

Ông Dung cho rằng qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật xây dựng, việc tranh chấp trong hoạt động xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ diễn ra phổ biến, nguyên nhân bắt nguồn từ việc khi xây dựng công trình gây ảnh hưởng tới các công trình lân cận.

Điều này dẫn tới xảy ra khiếu kiện kéo dài, trong khi các cơ quan cũng như tòa án không giải quyết tranh chấp được. Đôi khi hậu quả gây ra không nặng nề nhưng chi phí kiểm định, giám định rất tốn kém dẫn tới khó triển khai trong thực tế.

Về lo ngại liệu có phát sinh thêm thủ tục hành chính rườm rà, gây khó cho người dân khi nghị định được xây dựng theo hướng cam kết của chủ nhà phải có chứng thực ở UBND phường, xã, ông Dung nói: “Quan điểm của cục là sẽ bỏ các quy định theo hướng đó khi ban hành nghị định, thông tư chính thức".

"Vì bản thân cam kết có trong hồ sơ để xin cấp GPXD đã là một dạng chứng thực với cơ quan cấp phép rồi, đảm bảo về mặt pháp lý khi có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Việc UBND địa phương chứng thực vào đó là hoàn toàn không cần thiết” - ông Dung lý giải.

Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM), những quy định hiện hành cũng đã buộc chủ nhà đang xây dựng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho nhà lân cận nên luật mới phải kế thừa chứ không nên thêm thủ tục.

“Những quy định của pháp luật không phù hợp với thực tế, không được dư luận đồng tình thì phải sửa” - luật sư Trần Công Ly Tao nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ