Thêm gói 20.000 tỷ: Người mua nhà "giúp" đại gia?

Cập nhật 17/06/2015 14:16

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, cần xác định rõ đối tượng vay, khả năng trả nợ..., tránh nguy cơ lại biến 20.000 tỷ thành nợ xấu.

Thêm nợ xấu?

Liên quan đến thông tin về gói tín dụng 20.000 tỷ đồng dành cho phân khúc nhà ở thương mại trung bình với lãi suất dự kiến 7%/năm, ổn định trong 10 năm, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, chủ trương thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng rất đáng hoan nghênh. Đó là bởi thị trường bất động sản rất quan trọng đối với nền kinh tế, có sức lan toả lớn đến các ngành xây dựng, vật liệu...


Cần xác định rõ đối tượng vay, khả năng trả nợ..., tránh nguy cơ biến 20.000 tỷ thành nợ xấu.

Tuy nhiên, ông lưu ý cần phải xác định thị trường bất động sản đang vướng cái gì, mắc ở đâu, chỉ là vấn đề tiền hay còn nhiều vấn đề khác?

"Hiện nay, vướng mắc đầu tiên của tồn kho bất động sản là không có người mua. Hàng tồn kho dâu có nằm trong phân khúc nhà ở trung bình mà ở phân khúc căn hộ cao cấp. Không ai chủ trương cho người giàu vay để mua những căn hộ sang trọng, mà người giàu cũng chẳng cần vay tiền để mua nhà.

Phân khúc cần hỗ trợ là nhà ở trung bình và NHNN nhằm vào hướng này là rất trúng. Tuy nhiên, phải xác định cụ thể thế nào là nhà ở trung bình, bao nhiêu triệu đồng một mét vuông, diện tích bao nhiêu; ngân hàng có cho vay để mua đi bán lại hay chỉ cho vay để mua dùng. Dĩ nhiên dù vay mua đi bán lại mà không nhằm mục đích đầu cơ hay mua để ở cũng đều có tác dụng thúc đẩy thị trường bất động sản thoát khỏi sự trì trệ".

Lý giải rõ hơn về những lưu ý này, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói thêm, việc NHNN chủ trương cho bên mua, tức bên cầu vay tiền là rất đúng đối tượng. Nếu cho bên cung vay, khó tránh được trường hợp sử dụng vốn sai mục đích - cho vay xây nhà trung bình nhưng thực tế lại xây nhà cao cấp, hoàn thành nốt những dự án đang dang dở.

"Trước khi cho vay phải làm rõ đối tượng vay, khả năng trả nợ của họ, tránh để ai vay cũng được, vay để làm gì cũng được. Tình trạng ấy đã xảy ra cách đây dăm bảy năm trước, các ngân hàng làm ăn theo kiểu ai muốn vay thì vay, xây thế nào thì xây... thành ra mới sinh ra nợ xấu. Do đó, ở đây cũng cần làm rõ tình hình giải quyết nợ xấu của ngân hàng".

Người mua nhà chịu lãi vay thay dự án BĐS?

Một vấn đề khác liên quan đến gói 20.000 tỷ khiến ông Phạm Sỹ Liêm băn khoăn, đó là ngân hàng cho vay mua nhà rồi nhưng thị trường có hàng để bán hay không?

"Phân khúc nhà ở  trung bình, theo tôi biết, hiện nay không có nhiều. Nếu người mua nhà vay vốn rồi mua nhà ngay thì tốt, chỉ e họ lại phải góp vốn cho bên kinh doanh bất động sản rồi hai, ba năm nữa mới có nhà. Họ phải vay với lãi suất 7%/năm nhưng nộp tiền cho doanh ngiệp kinh doanh bất động sản thì chẳng được chút lãi nào.

Như vậy, tiếng là người đi vay nhưng thực ra người mua nhà chỉ là người vay hộ doanh nghiệp bất động sản và phải trả lãi hộ. Đây là chuyện cực kỳ phi lý! Điều đó có nghĩa là ngân hàng cho doanh nghiệp kinh doanh bất động vay tiền thông qua người mua nhà và người mua nhà phải trả lãi vay cho doanh nghiệp ấy".

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt