Thêm gói 20.000 tỷ bất động sản:Tiền đâu cứu người giầu mãi?

Cập nhật 16/06/2015 08:45

Rất nhiều ngành nghề cần hỗ trợ, không thể chỉ tập trung cho bất động sản, gói 30.000 tỷ không xong thì chuyển qua gói 50.000 tỷ rồi 20.000 tỷ.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chia sẻ quan điểm trên trước thông tin về gói tín dụng 20.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản với lãi suất ưu đãi.

Tiền đâu Nhà nước cứ tung ra mãi?

Thông tin về gói vay ưu đãi trị giá khoảng 20 nghìn tỷ đồng dành cho bất động sản được ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra tại sự kiện HomeExpo 2015 vừa được tổ chức ngày 27/5 tại TP.HCM và được nhiều tờ báo trong nước dẫn lại.

Theo đó, trong văn bản phúc đáp Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về chương trình tín dụng thương mại hỗ trợ người mua nhà của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước, Bộ Xây dựng đã thống nhất với đề xuất của NHNN được triển khai chương trình này.

NHNN sẽ hỗ trợ tái cấp vốn cho các NHTM nhà nước, NHTM mà Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối khoảng 20.000 tỷ đồng (tối đa không quá 30.000 tỷ đồng) để thực hiện cho vay đối với người mua, nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở/quyền sử dụng đất tại các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.

Theo ông Nam, đây là gói tín dụng hỗ trợ cho phân khúc nhà ở thương mại trung bình với mức lãi suất dự kiến 7%/năm, ổn định trong 10 năm.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã thất bại cả về mặt kinh tế và xã hội.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành thẳng thắn cho rằng gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng này bởi nó sẽ không đem lại lợi ích cho xã hội mà chỉ giúp cho người giàu và các siêu đại gia bất động sản bán được hàng. Ngay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đang thực hiện cũng đã thất bại thảm hại khi tính đến hết tháng 5/2015 mới giải ngân được hơn 7.600 tỷ đồng (đạt 25,4%), theo con số được Bộ Xây dựng đưa ra.

"Tại sao gói 30.000 tỷ đồng chết? Đó là sự bất lực của Bộ Xây dựng và NHNN khi đưa ra một gói tiền rất lớn, được doanh nghiệp và người dân kỳ vọng nhiều nhưng thất bại. Bộ Xây dựng và NHNN không rút ra được bài học gì và không có cách nào để nó phát triển mạnh. Gói 30.000 tỷ đồng đã không giúp cho thị trường phát triển một cách tốt đẹp. Sự bùng nổ vừa qua của thị trường bất động sản chẳng qua là do các doanh nghiệp nhanh nhẹn mua đi bán lại những dự án chết để vực dậy mà thôi, chứ không hề ảnh hưởng từ gói 30.000 tỷ.

Mặt khác, gói 30.000 tỷ không có một tác động xã hội nào, người nghèo không vay mua được mà chỉ có những người thu nhập trung bình khá mà thôi. Như vậy nó không giúp ích nhiều cho doanh nghiệp và người nghèo, những người cần sự hỗ trợ của xã hội để có nhà. Như vậy, về mặt kinh tế và mặt nhân văn, gói 30.000 tỷ đều không đạt.

Trước đây, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đã đề xuất gói 50.000 tỷ cho thị trường bất động sản và ngành xây dựng nhưng nhanh chóng "chết yểu". Sau đó, ông Nguyễn Trần Nam, khi còn là Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng tuyên bố có gói 50.000 tỷ cho bất động sản nhưng đến nay gói này cũng "im hơi lặng tiếng".

Bây giờ, Bộ Xây dựng và NHNN lại "đẻ" ra gói 20.000 tỷ. Tiền đâu Nhà nước cứ tung ra mãi, hết gói này tới gói kia? Rất nhiều ngành nghề khác cần chỗ trợ, không nên chỉ tập trung cho bất động sản, không xong gói 30.000 tỷ thì chuyển qua 50.000 tỷ, rồi 20.000 tỷ. Không thể bằng mọi cách để tiêu cho được vài chục ngàn tỷ của Nhà nước!", ông Đực phân tích.

Cũng theo Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, theo thông tin ban đầu, gói 20.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ cho phân khúc nhà ở thương mại trung bình, tức là nhà trên 1-2 tỷ đồng.

"Như vậy gói này giúp ai? Gói 30.000 tỷ đã không giúp dân nghèo mà chỉ giúp dân trung bình khá, giờ gói 20.000 tỷ cho vay mua nhà thương mại nghĩa là có thể mua được nhà 3-4 tỷ đến 5-7 tỷ, thậm chí có người mua miếng đất 10 tỷ xin vay 1 tỷ để xây nhà có thể được vay luôn. Té ra gói 20.000 tỷ giúp người giàu chứ không phải giúp người trung bình khá! Như vậy, gói hỗ trợ này lại mất đi tính nhân văn, xã hội.

Nó sẽ giúp cho ai bán được nhà? Đó là các đại gia, các nhà đầu tư lớn đầu tư những căn hộ 100-200m2 giá bán 20-30 triệu đồng/m2. Đáng lý ra phải khuyến khích các đại gia đó làm nhà giá rẻ chừng 14-15 triệu đồng/m2, thậm chí 7-8 triệu đồng/m2 như Bình Dương để bán cho người nghèo thì bây giờ lại giúp cho phân khúc 30-40 triệu đồng/m2 bán được nhà, quả là vô lý".

Nên cho vay để xây nhà cho thuê

Tiếp tục bàn về gói 30.000 tỷ, ông Nguyễn Văn Đực cho biết, vấn đề mấu chốt trong sự thất bại của gói này là không có sản phẩm - những căn hộ nhỏ giá tầm 300-500 triệu đồng.

"Gói 30.000 tỷ sẽ phục vụ cho địa phương nào táo bạo nhìn nhận sự thực dân nghèo phải có căn hộ nhỏ. Bình Dương làm căn hộ 30m2 bán với giá 100-200 triệu đồng, giờ họ tiếp tục làm căn hộ 40m2 bán giá 8 triệu đồng/m2, tức tổng số tiền khoảng 400 -500 triệu đồng trở lại. Như vậy, Bình Dương được hưởng lợi nhiều từ gói 30.000 tỷ đồng.

Nếu phân tích cặn kẽ, tỷ lệ các tỉnh thành có được gói này là bao nhiêu? TP.HCM thua Bình Dương và chỉ bằng 1/3 Hà Nội. Đó là vì TP.HCM không có căn hộ vừa với sức mua, TP.HCM không cho chẻ nhỏ căn hộ làm nghẽn mạch sản phẩm, tất cả gói này người dân TP.HCM không được hưởng. Nếu Nhà nước cho làm căn hộ nhỏ thì bao nhiêu người dân đã tiếp cận được gói này chứ không phải đi ở thuê".

Trở lại với gói hỗ trợ 20.000 tỷ, ông Đực đề nghị nếu có gói này thì Nhà nước nên cho vay với lãi suất rất thấp để xây nhà cho thuê bởi chính nhà cho thuê  mới là sản phẩm phục vụ một cách hiệu quả nhất cho những người nghèo nhất.

"Người nghèo không có tiền để mua căn hộ, tại sao thị trường chỉ có những căn hộ 700-800 triệu mà không có căn 300-500 triệu? Những người mua nhà 700-800 triệu phải có thu nhập mười mấy triệu/tháng mới mua trả góp được, còn những người  thu nhập 5-6 triệu/tháng phải ở trọ, thuê mướn trong điều kiện chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu.

Không doanh nghiệp nào xây nhà cho thuê vì họ phải vay ngân hàng với lãi suất cao nhưng sức thuê chỉ có 5-7%/năm, đương nhiên họ lỗ. Ngoài ra, những quy định về nhà cho thuê mới chỉ được đặt ra nửa vời, chưa có luật lệ về nhà cho thuê, không có cách quản lý và không có đồng vốn cho nhà cho thuê thì làm sao doanh nghiệp dám làm? Do đó, tôi đề nghị gói 20.000 tỷ này nếu có sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà cho thuê với lãi suất 2-3%/năm, khi ấy gói hỗ trợ này mới thực sự đến tay người thu nhập thấp và mới có tính xã hội, nhân văn", ông Đực nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt