"Chúng ta quá thiếu hiểu biết về đô thị hiện đại..." - trả lời phỏng vấn của Báo giới, TS Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng - nguyên phó Chủ tịch UBND TPHN - khẳng định như vậy.
Ông cho biết:
- Kinh tế học ngày nay phát triển theo vùng chứ không phải theo đô thị nữa. Vì tốc độ phát triển của đô thị hiện giờ rất nhanh, mà không lẽ cứ 5 - 6 năm lại một lần mở rộng địa giới! Nên nhớ rằng, mỗi một lần mở rộng địa giới một đô thị bình thường, chứ chưa tính đến thủ đô - là vô cùng tốn kém. Nó còn kéo theo các rắc rối về mặt hành chính nữa. Ở ta ít có thói quen tính toán kỹ những chi phí như vậy cho các dự án nhập - tách tỉnh để thấy nó tốn kém chừng nào. Nếu có thể phát triển mà tránh đi được những chi phí, những rườm rà phức tạp thì nên tránh, tiền của nhà nước, cũng là tiền của nhân dân mà ra cả đấy.
Kiến thức đô thị học của người quản lý đô thị ở chúng ta còn yếu lắm, trong khi thế giới có nhiều mô hình đã phát triển rất hay, và cũng có những trường hợp sai lầm rất gần với chúng ta, tất cả đều là những bài học đáng học.
*Ông nhận xét gì về ý kiến cho rằng mở rộng quy mô địa giới và dân số sẽ làm HN "xứng tầm" một thủ đô hiện đại hơn?
- Chúng ta chưa hiểu biết lắm về đô thị hiện đại, tầm vóc của nó phải được đo bằng sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế, v.v... Cái lý sự của một quan chức đưa ra là thủ đô phải đất rộng người đông, là một lý sự hết sức thiếu hiểu biết. Ví dụ như thủ đô Oasinton của Mỹ đâu có phải là một đô thị có quy mô diện tích và dân số lớn.
Đáng lẽ là trên quy mô hiện có của Hà Nội hôm nay, phải "thâm canh" sao cho nó thật hiệu quả để có được chất lượng của một đô thị hiện đại. Bây giờ nếu ta hợp nhất cả Hà Tây vào HN, nghĩa là thủ đô cũng phải ôm luôn cả nhiệm vụ phát triển nông nghiệp. Một thủ đô có đến quá nửa dân số là nông dân, với một diện tích không nhỏ đất nông nghiệp, tất yếu sẽ dẫn đến sự phân tán quản lý, mà ta đã biết trình độ quản lý đô thị hiện giờ của chúng ta đang ở mức nào rồi.
Một vấn đề của quản lý đô thị là phải trị lý giỏi, trong đó có những mục tiêu như xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an toàn cho đô thị (an toàn giao thông, an toàn thiên tai, v.v...). Nhiều vấn đề như vậy, mở rộng địa giới nghĩa là sẽ thêm gánh nặng rất lớn đè lên vai người quản lý.
Hà Nội hồi những năm 80 cũng đã từng mở rộng đến khoảng 2.100 km2, sau lại phải co lại thành 900 km2 như hiện nay. Hồi đó tôi là phó chủ tịch UBND TPHN, Thạch Thất (giờ thuộc Hà Tây) cũng nằm trong địa bàn HN. Khi Thạch Thất bị vỡ đê quai, tôi và các cán bộ khác của UBND phải xuống Thạch Thất "nằm vùng" lo đắp đê, cứu đói đến hàng tháng trời, vậy còn sức đâu mà lo những nhiệm vụ khác của thủ đô. Hiện giờ UBND TPHN quản lý 900 km2 còn mệt lử, thiếu cán bộ, rồi trăm nghìn vấn đề khác... Giờ mở rộng HN gấp mấy lần cái diện tích ấy, thì năng lực cán bộ có bao quát hết được không?
* Đất Hà Tây hiện giờ đã tăng giá chóng mặt. Liệu người Hà Tây đã có thể vui mừng với cái lợi trước mắt ấy?
- Người ta bảo mở rộng HN thì dân Hà Tây có cái lợi trước mắt là giá đất tăng, thành dân thủ đô. Nhưng nếu tôi là người Hà Tây thì ắt hẳn tôi đang lo lắng lắm. Mễ Trì, ngay ở trung tâm phát triển của thủ đô hiện giờ đấy, nhiều người mất đất không có việc làm. Nông dân mất đất trong quá trình đô thị hoá là vấn đề nghiêm trọng lắm, không coi nhẹ được đâu. Chúng ta không được phép để mất lòng người nông dân, để họ phải chịu thiệt thòi quá lớn.
* Xin cảm ơn ông.