Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố danh sách bổ sung các ngân hàng thương mại có đủ điều kiện thực hiện hoạt động bảo lãnh cho chủ đầu tư bất động sản để bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai.
Theo đó, NHNN đã bổ sung 5 ngân hàng thương mại. Trong danh sách này, có 3 cái tên đã được công bố từ trước là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là 2 ngân hàng mới nhất được bổ sung vào danh sách các ngân hàng được bảo lãnh bất động sản.
Được biết, trong đợt công bố danh sách 33 ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án hình thành trong tương lai ngày 12/8 không có lên Ngân hàng Sacombank là do Điều lệ của ngân hàng này thiếu nghiệp vụ bảo lãnh, do vậy, ngay sau khi đăng ký bổ sung nghiệp vụ này, ngày 18/8, NHNN đã có Quyết định số 1635/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín. Sau đó, Sacombank trở thành ngân hàng thứ 34 được NHNN cấp phép cho bảo lãnh bất động sản.
Đối với VIB, Kienlongbank không rõ lý do vì sao không nằm trong danh sách thực hiện hoạt động bảo lãnh bất động sản đợt đầu ngày 12/8. Thực tế, VIB có vốn điều lệ đạt ngưỡng trên 4.000 tỷ đồng và có hoạt động kinh doanh cũng khá tích cực, khi 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 240 tỷ đồng, nợ xấu ở mức rất thấp chỉ 2,12% và VIB sắp tới cũng tiến hành tăng vốn điều lệ lên 4.845 tỷ đồng. Còn KienlongBank, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 158,21 tỷ đồng, đạt 40,78% kế hoạch năm 2015, tỷ lệ nợ xấu cũng được kiểm soát dưới 2,5%.
Trước đó, ngày 12/8, NHNN đã công bố danh sách các ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động bảo lãnh cho chủ đầu tư dự án hình thành trong tương lai. Cụ thể, có 33 ngân hàng gồm 24 ngân hàng thương mại trong nước và 9 ngân hàng quốc tế có tên trong danh sách này.
Như vậy, tính đến thời điểm này, có tổng cộng 38 ngân hàng thương mại đủ điều kiện để thực hiện
Theo điều 56 của Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, Luật quy định chủ đầu tư chỉ được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai khi có bảo lãnh của ngân hàng thương mại.
Đại diện Bộ Xây dựng và các chuyên gia đều cho rằng, việc bảo lãnh dự án là một đảm bảo để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ. Nếu chủ dự án không triển khai được, người mua nhà vẫn có cơ hội nhận nhà hoặc được trả lại tiền nhờ đã được bảo lãnh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã soạn thảo Thông tư 07 về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có điều khoản riêng về việc bán và cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng công khai cả danh sách các ngân hàng thương mại có khả năng và đủ điều kiện bảo lãnh bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, hoạt động bảo lãnh bản chất cũng tương tự như một hoạt động cho vay, ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho các chủ đầu tư dự án vay một khoản tiền để trả cho khách hàng khi dự án không hoàn thành tiến độ, sau đó sẽ tiến hành xử lý tài sản đảm bảo bằng chính dự án đó sau khi hoàn thành để thu hồi tiền vốn đã bỏ ra.