Nhiều nhà đầu tư khu dân cư ở Cần Thơ đồng loạt kiến nghị với UBND thành phố, đề nghị được đối thoại trực tiếp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính. Theo họ, sự thiếu nhất quán của các văn bản do các cơ quan này ban hành khiến họ đang lâm vào thế... kẹt.
Chủ trương một đàng, thực thi một nẻo?
Theo Nghị định 197 và 198 của Chính phủ, người được giao đất được trừ số tiền đã bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi vào tiền sử dụng đất (SDĐ) phải nộp, nhưng mức được trừ không vượt quá số tiền SDĐ phải nộp. Đây là chủ trương đúng nhằm đặt quyền lợi của các hộ dân bị giải tỏa lên trên hết, chứ không chú trọng số tiền SDĐ mà Nhà nước thu về khi giao dự án cho các nhà đầu tư.
Riêng tại Cần Thơ, ngày 16 - 12 - 2003, Chính phủ đã có Công văn số 1701/CP - CN, nêu rõ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là cho phép UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) giao đất cho các nhà đầu tư theo hình thức có thu tiền SDĐ, nhưng nhà đầu tư tự thỏa thuận với người có đất bị thu hồi về mức bồi thường... Bởi nếu cứ căn cứ khung giá quy định để bồi thường, phần lớn các hộ dân bị giải tỏa gánh chịu thiệt thòi vì thời điểm ấy, giá quy định thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều!
Căn cứ theo đó, các nhà đầu tư đã tính toán nâng giá bồi thường, hỗ trợ thêm cho các hộ dân. Cũng không thể làm khác, bởi các nhà đầu tư đều thừa nhận khung giá theo phương án bồi thường giải tỏa được phê duyệt khi bắt đầu thực hiện dự án đã lỗi thời dần sau từng năm. “Việc đền bù được tiến hành trong nhiều năm chứ không thể dứt điểm trong một thời gian ngắn.
Do vậy, không thể lấy giá đất theo phương án được duyệt vào năm 2003 để áp cho những hộ nhận đền bù năm 2005, 2006... Có hộ được đền bù đến 300.000 đồng/m2, trong khi giá phê duyệt chỉ 36.000 đồng/m2”, ông Võ Ngọc Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586, cho biết. Công ty này, tính từ năm 2004 đến nay, đã chi vượt hơn 100 tỉ đồng so với phương án được duyệt ban đầu.
Cũng vì tin rằng số tiền đền bù, hỗ trợ theo thực tế này được khấu trừ, nên cuối cùng đã xảy ra tranh cãi giữa nhà đầu tư và Cục Thuế Cần Thơ. “Cục Thuế chỉ lấy giá đền bù theo phương án được duyệt từ năm 2003 để tính khấu trừ!
Theo cơ quan này, nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân thì phải có chứng từ hợp lệ mới được khấu trừ theo thực tế”, ông Châu bức xúc. Ông nói, ông không hiểu chứng từ hợp lệ phải là thế nào, bởi mỗi khi chi đền bù, hỗ trợ cho bất kỳ hộ dân nào, công ty đều được Hội đồng Đền bù của quận Cái Răng - địa bàn triển khai dự án, ký thông qua phương án.
Gỡ khó này, sinh rắc rối khác
Sau khoảng hai năm tranh cãi chưa ngã ngũ, đến ngày 16 - 7 - 2007, Bộ Tài chính mới ban hành Công văn số 9395/ BTC - QLCS, xác nhận đối với phần đất đã bồi thường, trong trường hợp nếu giá bồi thường thực tế cao hơn phương án ban đầu thì được điều chỉnh lại theo giá đất mới để làm cơ sở khấu trừ.
Nhưng không lâu sau đó, ngày 14 - 9 - 2007, Bộ Tài chính ban hành thêm Công văn số 12394/ BTC - QLCS gây thêm bức xúc mới cho các nhà đầu tư. Công văn có đoạn: “...được trừ số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất vào tiền SDĐ phải nộp cho Nhà nước theo diện tích nhà đầu tư phải nộp tiền SDĐ”. Như vậy, số tiền mà nhà đầu tư bồi hoàn cho phần đất quy hoạch công viên, các công trình công cộng...
không được khấu trừ! Trong khi trước đây, các nhà đầu tư đều đinh ninh rằng được khấu trừ trên tổng diện tích giải tỏa và đã xây dựng giá thành “sản phẩm” là đất nền, nhà từ lâu. “Trong dự án khu dân cư, phần đất thương phẩm được khấu trừ chỉ chiếm hơn 40%”, ông Nguyễn Tài Phúc, Phó giám đốc Công ty cổ phần 586 phân tích.
Và như thế, theo các nhà đầu tư là rất bất công, bởi lâu nay họ tin tưởng vào Nghị định 197, 198. Nếu biết trước sau này lại có chủ trương mới là phần đất quy hoạch các công trình công cộng không được khấu trừ, thì họ đã không... đứng ra bồi thường. Bởi lẽ nhà đầu tư không hề thu lợi đồng nào trên phần đất này mà phải giao lại cho địa phương khai thác và sử dụng, nhưng vẫn phải mất tiền đền bù, rồi xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh?
Và trong một dự án hàng chục, hàng trăm héc ta như vậy, làm sao xác định rõ phần đất thổ cư của hộ nào, tổng số bao nhiêu... nằm trong tổng diện tích đất thương phẩm này, để tách bạch riêng khỏi phải đóng thuế đất thổ cư hai lần như quy định hiện hành!?
Và vấn đề “trọng điểm” mà các nhà đầu tư mong muốn được Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng Bộ Tài chính trả lời trực tiếp chính là thời điểm để tính giá thu tiền SDĐ. Bởi theo Nghị định 198, trong trường hợp giao đất sử dụng ổn định lâu dài thì giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất ở tại thời điểm giao đất do UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành theo quy định của Chính phủ.
Đối với hầu hết các nhà đầu tư khu dân cư ở Cần Thơ, do “lúng túng” của UBND tỉnh trước đây, khi triển khai dự án vào những năm 2002 - 2003, họ chỉ có trong tay quyết định giao dự án, phê duyệt quy hoạch và mãi đến cuối năm 2004 mới có quyết định thu hồi và giao đất. “Như vậy, nếu căn cứ theo Nghị định 198 thì thời điểm nhà đầu tư được giao đất là năm 2002, 2003 hay 2004?”, ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh nhà Cần Thơ, thắc mắc. Thực tế, Cục Thuế Cần Thơ lại áp giá tiền SDĐ của năm... 2007!
Và theo Công văn 9395 của Bộ Tài chính, thì giá đất tại thời điểm nhà đầu tư nộp tiền sẽ được áp để tính lại tiền SDĐ. Với cách tính đó, tiền SDĐ của Công ty cổ phần 586 vào năm 2004 là 18 tỉ đồng, nhưng đến năm 2006, con số này đã gần 200 tỉ đồng vì tính theo giá đất năm 2006. Tương tự, Công ty Phát triển kinh doanh nhà Cần Thơ cũng phải nộp thêm hơn 140 tỉ đồng...
Thời gian tranh cãi, chưa nộp tiền SDĐ càng kéo dài, nhà đầu tư càng bị Cục Thuế “nhồi” tăng thêm tiền SDĐ.
Theo TBKT Sài Gòn