Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Cơ hội và rủi ro

Cập nhật 20/05/2014 10:26

Liên bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp và Tài nguyên - Môi trường vừa ban hành Thông tư liên tịch số 01/2014 hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, thay thế Thông tư liên tịch số 05/2007 ngày 21/5/2007 của liên bộ này.

Quy định cho thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được kỳ vọng làm tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản

Chỉ được thế chấp ở 1 tổ chức tín dụng

Theo Thông tư liên tịch số 01/2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 16/6/2014), nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp để vay vốn bao gồm nhà ở thương mại và nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở. Cụ thể, là căn hộ chung cư được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, hoặc nhà ở riêng lẻ (bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề) được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp tại tổ chức tín dụng (TCTD) phải là dự án đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở; hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua, nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Nhà được thế chấp phải thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận, hoặc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ở đã được bàn giao cho người mua, nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Giá trị nhà ở hình thành trong tương lai dùng để thế chấp do 2 bên thỏa thuận trên cơ sở giá trị nhà ở được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán. Bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại 1 TCTD để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì không được tiếp tục thế chấp nhà ở đó tại TCTD.

Cơ hội và rủi ro

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về thông tư này, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch Bất động sản Maxland nhận định, thị trường bất động sản sẽ có thêm hành lang pháp lý để vận hành hiệu quả hơn.

Theo ông Diễn, trước đây, các TCTD chỉ cho vay đối với các bất động sản hình thành trong tương lai khi có thỏa thuận cụ thể giữa 3 bên: ngân hàng - người mua - chủ đầu tư. Tuy nhiên, hình thức cho vay này cũng còn nhiều hạn chế do sự cẩn trọng quá mức trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng.

Ông Diễn cho rằng, quy định cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai được ban hành và có hiệu lực đúng lúc thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc, sẽ giúp thị trường tăng thanh khoản hơn nữa. “Hy vọng đây là liều thuốc tốt cho thị trường trong thời gian tới”, ông Diễn nói.

Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ nhìn nhận, quy định này sẽ giúp thanh khoản của thị trường tăng lên, nhưng với điều kiện các TCTD phải thực sự nhập cuộc.

“Thực ra, các hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai đã có ít nhất 30% tiền của các khách hàng nằm trong đó, nên phía ngân hàng có cho vay, thì vẫn không sợ nhà trên giấy, dẫn đến nợ xấu”, ông Khánh nói và cho rằng, các ngân hàng không nên quá lo lắng.

Tuy nhiên, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhân viên 1 ngân hàng cho biết, dù có quy định cho phép nhận thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai để cho vay vốn, thì các ngân hàng vẫn cần thận trọng trong việc thẩm định hồ sơ, đặc biệt là tương lai đầu ra của tài sản đó.

“Nếu tài sản thế chấp đó có vị trí đẹp, tiến độ thi công và chất lượng tốt thì không lo nợ xấu, nhưng nếu dự án nằm ở xa, tiến độ xây dựng chậm, thì sẽ khó bán để thu hồi vốn trong trường hợp là khách vay mất khả năng trả nợ”, vị cán bộ tín dụng này chia sẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư