Rất nhiều giấy trắng (nhà, đất) đang thế chấp tại các ngân hàng. Cả ngân hàng và người thế chấp đều muốn đổi loại giấy này sang giấy hồng để yên tâm hơn. Nhưng qui trình đổi giấy ra sao thì chưa rõ.
Giấy trắng nhà chị M. ở quận Bình Tân (TP.HCM) đang thế chấp tại một ngân hàng. Trong thời gian thế chấp chị có xây dựng lại nhà và xin làm thủ tục hoàn công. Nhưng cơ quan chức năng yêu cầu phải có giấy trắng (bản chính) mới làm thủ tục hoàn công và đổi luôn sang giấy hồng mới. Đến ngân hàng mượn lại hồ sơ thế chấp để làm thủ tục đổi giấy nhưng ngân hàng không đồng ý vì sợ chị làm mất.
Chị M. cho biết chỉ còn cách vay nóng tiền bên ngoài để giải chấp giấy tờ nhà. Nhưng thời gian làm thủ tục hoàn công, cấp giấy chủ quyền khá lâu, đồng nghĩa với việc chị phải chịu lãi “nóng” rất nặng.
Sẽ gây xáo trộn lớn
Cơ quan chức năng ước TP.HCM còn khoảng 100.000 giấy trắng các loại, trong đó có hàng ngàn giấy đang “nằm” tại các ngân hàng. Thậm chí nhiều giấy thế chấp đến năm 2009 mới đáo hạn. Nghị định 84 của Chính phủ vừa ban hành qui định: sau ngày 1 - 1 - 2008, các loại giấy trắng này vẫn còn giá trị sử dụng nhưng muốn giao dịch bắt buộc phải đổi sang giấy hồng mới.
Trưởng phòng kinh doanh một ngân hàng cho biết số lượng giấy trắng ở ngân hàng chiếm 30 - 40% trên tổng hồ sơ nhà đất đang thế chấp tại đây. Dù đã nhận thế chấp nhưng ông nói ngân hàng cũng thật sự chưa yên tâm vì thông tin trên giấy trắng chỉ ghi chung chung, không có thửa đất, sơ đồ vị trí, thông tin về qui hoạch...
“Trường hợp đến ngày 1 - 1 - 2008 mà không đổi kịp thì giấy trắng sẽ không còn giá trị giao dịch, và các ngân hàng sẽ không nhận thế chấp lại. Việc này sẽ gây xáo trộn lớn và thiệt thòi vẫn thuộc về người dân” - cán bộ này phân tích thêm. Do vậy đổi sang giấy hồng là giải pháp mà nhiều ngân hàng chọn lựa.
Chưa thống nhất
Theo Trung tâm Thông tin tài nguyên - môi trường và đăng ký nhà đất TP.HCM (Sở Tài nguyên - môi trường), có hai cách đổi: người dân có nhu cầu đổi giấy trắng sang giấy hồng, giấy đỏ thì liên hệ với các ngân hàng để mượn lại giấy, làm thủ tục đổi. Trường hợp ngân hàng không đồng ý cho mượn lại giấy trắng có thể cử nhân viên đi cùng người dân trong quá trình làm thủ tục đổi giấy.
Còn phó giám đốc một ngân hàng đề xuất chỉ cần bản photo hồ sơ giấy trắng kèm công văn của các ngân hàng đồng ý cho khách hàng đổi giấy. Khi ra giấy hồng mới, ngân hàng sẽ cho mượn bản chính để nộp lại cơ quan cấp giấy. Ông cho rằng cách này vừa đơn giản mà người dân có thể tự đi làm thủ tục đổi giấy.
Tuy nhiên một cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường quận Tân Phú cho rằng cách làm theo đề xuất của ngân hàng chứa nhiều rủi ro. Về nguyên tắc, khi người dân nộp hồ sơ làm thủ tục phải nộp luôn bản chính. Trường hợp đợi đến khi ra giấy hồng mới thu hồi bản chính giấy trắng có thể phát sinh tình trạng người dân làm mất, hoặc đem thế chấp tại một ngân hàng khác.
Về việc đăng ký thế chấp lại sau khi có giấy chủ quyền mới, ông Trần Quốc Tuấn, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường quận Tân Bình, cho biết sẽ áp dụng theo qui định mới. Theo đó, khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký thế chấp nhà ở hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ ghi nhận nội dung đăng ký thế chấp vào sổ địa chính và theo dõi biến động đất đai.
Trường hợp thửa đất, căn nhà không biến động so với thời điểm thế chấp thì không nhất thiết phải đăng ký thế chấp lại. Riêng việc giao giấy hồng mới cho khách hàng hay cho ngân hàng thì do hai bên thỏa thuận.
Theo các ngân hàng, dù đã đổi sang giấy chủ quyền mới nhưng nhà đất trước đó đã được đăng ký thế chấp, và thông tin này đang được lưu giữ tại các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Nay phải đăng ký lại sẽ mất thêm thời gian.
Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Trung tâm Thông tin tài nguyên - môi trường và đăng ký nhà đất TP, cho biết trung tâm đang soạn qui trình để giải quyết các vướng mắc. Trong đó sẽ hướng dẫn cụ thể để người dân, ngân hàng và cơ quan cấp giấy phối hợp khi làm thủ tục đổi giấy trắng sang giấy hồng, giấy đỏ. Qui trình này cũng đề cập đến việc chuyển đổi nội dung thế chấp từ giấy chủ quyền cũ sang giấy mới...
Theo Phúc Huy - Tuổi Trẻ