Thế chấp dự án: TP.HCM minh bạch, Hà Nội kêu nhạy cảm

Cập nhật 29/07/2016 09:12

Trong khi, TPHCM công khai toàn bộ danh sách các dự án BĐS đang thế chấp Ngân hàng, thì Hà Nội lo lắng vì nhạy cảm.

Liên quan đến việc công bố danh sách các dự án BĐS đang thế chấp tại ngân hàng, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết: "Hiện chưa có hướng dẫn hay chỉ đạo nào về việc công bố các dự án thế chấp ngân hàng.

Sở TN&MT Hà Nội đang xin ý kiến Bộ TN&MT vì vấn đề công bố này rất nhạy cảm, liên quan đến thông tin kinh doanh của doanh nghiệp".

Theo ông Nghĩa, việc công bố hay không công bố dự án thế chấp ngân hàng cũng không ảnh hưởng đến việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, đó chỉ là thông tin để người mua nhà tham khảo để quyết định mua hay không mua.

Hơn nữa, luật cũng đã quy định chủ đầu tư có quyền đăng ký giao dịch bảo đảm thế chấp thì đó là việc của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 25/7, trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Quang – Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho hay, thống kê sơ bộ trên hệ thống của Văn phòng này cho thấy, Hà Nội có khoảng 26 dự án bất động sản đã được thế chấp tại ngân hàng và có đăng ký thông tin giao dịch đảm bảo trên hệ thống của văn phòng.

Dự án tại Hà Nội thế chấp ngân hàng.

Theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, hiện có rất ít dự án bất động sản được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Điều đó có nghĩa, phần lớn các dự án bất động sản đều phải sử dụng chiêu thức lách luật để được vay. Và khi thông tin này bị bưng bít, thì khách hàng có đến các cơ quan chức năng để tra cứu cũng không có được thông tin gì.

Hậu quả là nếu doanh nghiệp vay ngân hàng nhưng không có tiền trả thì ngân hàng sẽ siết chính căn hộ mà khách hàng vừa mua.

Trong khi đó, Sở TN&MT TP.HCM đã công bố danh sách các dự án BĐS trên địa bàn TP đang thế chấp quyền sử dụng đất tại các ngân hàng, tính đến ngày 8/6 có 77 dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM được chủ đầu tư đem cầm cố ngân hàng.

Liên quan đến thông tin trên, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết: "DN đi vay tiền Ngân hàng đầu tư và nhận tiền của khách hàng để hình thành căn hộ trong tương lai đó là điều bình thường của BĐS Việt Nam từ trước đến nay.

Có thể nói là gần như 100% các DN đều phải vay tiền Ngân hàng, kể cả những DN lớn nhất đến DN nhỏ nhất.

Như vậy, chuyện đi vay tiền là điều đương nhiên. Con số 77 dự án tại TPHCM, hay 26 dự án tại Hà Nội, được thông báo đây chỉ là một góc nhỏ, còn nếu thông báo hết thì phải có đến vài trăm dự án lớn nhỏ đều vay tiền, chứ không chỉ là vài chục dự án".

Đồng tình quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), 1 lần nữa khẳng định: “Việc doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản trong hoạt động kinh doanh để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường.

Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp BĐS của ta hiện phụ thuộc khá lớn vào nguồn vốn tín dụng hoặc là nguồn huy động từ khách hàng. Chính vì vậy, việc chủ đầu tư thế chấp các dự án của mình để vay vốn phát triển dự án, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường”.

Thế nhưng, điều quan trọng, theo ông Nguyễn Văn Đực, thường thì có 2 loại tài sản thế chấp: thứ nhất, lấy chính tài sản của dự án đó, chuyện này mới là đặt vấn đề lo hay không lo. Thứ hai, là DN thế chấp từ một dự án khác hoặc là một tài sản cá nhân của họ thì không đáng lo ngại, nếu có rủi ro, tài sản riêng của DN, cá nhân đó bị ảnh hưởng.

Đưa ngay ví dụ thực tế, ông Đực phân tích: "Nói ngay như dự án Dolphin Plaza ngoài Hà Nội, chủ đầu tư thế chấp miếng đất xây dựng dự án bằng sổ đỏ, nhưng vẫn cấp sổ đỏ nhỏ cho từng hộ dân. Tức là họ tìm cách lách cấp sổ đỏ cho người dân, thu hết tiền.

Ở đây vấn đề là, tại sao Sở TN&MT Hà Nội lại cấp sổ đỏ cho từng hộ dân khi sổ chính còn trong Ngân hàng, về nguyên tắc phải thu hồi sổ thế chấp trước rồi mới cấp sổ mới".

Trong khi, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Dầu Khí Toàn Cầu GP-Invest đề xuất: "Các cơ quan trước khi công bố dự án nào đó có thế chấp hay không thế chấp thì cần yêu cầu chủ đầu tư có bảng cân đối dòng tiền.

Nếu chủ đầu tư chứng minh được kế hoạch cân đối dòng tiền không ảnh hưởng gì đến tài sản của người mua nhà trong tương lai thì điều đó hoàn toàn lành mạnh, không vấn đề gì. Còn nếu không chứng minh được kế hoạch cân đối dòng tiền thì sẽ dẫn đến rủi ro, nguy hiểm cho người mua nhà”.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt