Thay đổi thuế và lệ phí cho bất động sản? (Phần 2)

Cập nhật 26/11/2007 15:00

Hộ gia đình, cá nhân có sở hữu từ hai nhà ở hoặc căn hộ trở lên, nếu vượt hạn mức nhà ở cũng thực hiện đánh thuế luỹ tiến theo nguyên tắc càng sở hữu nhiều nhà thì mức nộp thuế càng tăng. Phương thức thu thuế sở hữu nhà (cũng như thuế sử dụng đất đề cập ở phần trên) thực hiện định kỳ 6 tháng/lần (thời điểm thu thuế là tháng 6 và tháng 12 hàng năm).

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có sự thay đổi về nhà, đất trong năm thì mức thuế phải nộp sẽ được điều chỉnh theo nguyên tắc lấy mức thuế suất nhà, đất cơ bản (tính theo năm)/12 tháng nhân với (x) số tháng còn lại tính đến thời điểm nộp thuế. Việc đánh thuế sử dụng đất và sở hữu nhà cần được quy định theo từng khu vực; có chính sách miễn, giảm cho những khu vực, đối tượng chính sách xã hội có khó khăn (khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người có công với cách mạng...).

Thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ quá cao

Theo Bộ Xây dựng: mức thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất 4% như hiện nay là quá cao. Nếu hộ gia đình, cá nhân mua 1 ngôi nhà trên mảnh đất 50m2 với giá trung bình tại Hà Nội vào thời điểm này khoảng 30 triệu đ/m2 đất thì phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất là 60 triệu đồng. Điều này càng bất hợp lý hơn trong trường hợp mua, bán không vì mục đích kinh doanh mà chỉ để cải thiện về nhà ở, hợp lý hoá chỗ ở, phải bán nhà cũ và mua nhà mới.

Từ đó dẫn đến tình trạng người dân sẵn sàng mua bán trao tay, không làm thủ tục với Nhà nước, hoặc khai thấp hơn giá thực tế giao dịch làm Nhà nước bị thất thu thuế, không quản lý được việc sử dụng nhà, đất và dễ gây tiêu cực. Do vậy, để khuyến khích giao dịch chính thức, Bộ xây dựng đề nghị giảm thuế suất thuế chuyển quyền sử dụng đất xuống còn khoảng 1% và tính chung cho cả nhà và đất hoặc gộp thuế chuyển quyền sử dụng đất với thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo quy định, lệ phí là chi phí để thực hiện một dịch vụ nào đó bao gồm tiền công và chi phí văn phòng, do đó mức thu thường rất nhỏ và có giới hạn nhất định. Tuy nhiên, mức lệ phí trước bạ đối với bất động sản nhà, đất như hiện nay (1%) thì lại gần như một loại thuế chứ không còn mang ý nghĩa là lệ phí. Với mức phí như vậy, trường hợp xin công nhận quyền sở hữu tài sản nhà đất có giá trị 1 tỷ đồng thì phải nộp lệ phí trước bạ là 10 triệu đồng. Vì mức lệ phí trước bạ quá cao, cho nên không khuyến khích người dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, tính đến tháng 10/2007, tại Tp.Hà Nội còn tồn đọng khoảng 65.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đã xong thủ tục nhưng người dân không đến nhận. Theo nhận định của Sở này, người dân không đến nhận sổ đỏ là do mức lệ phí trước bạ quá cao so với thu nhập của các hộ gia đình.

Vì vậy, để khuyến khích người dân đăng ký với nhà nước, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người dân, Bộ Xây dựng cũng đề nghị giảm mức lệ phí trước bạ nhà đất xuống còn 0,02% và không quá 2 triệu đồng để đảm bảo theo đúng nghĩa lệ phí. Bộ Xây dựng nhận định: việc sửa đổi, bổ sung các loại thuế, lệ phí liên quan tới bất động sản như trên nhằm hạn chế đầu cơ, khuyến khích các giao dịch chính thức và tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai.

>> Thay đổi thuế và lệ phí cho bất động sản? (Phần 1)

 

Theo VnEconomy