Thay đổi diện mạo đô thị lớn nhất nước

Cập nhật 09/09/2007 10:00

Ông Nguyễn Trọng Hòa - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP.HCM cho biết thành phố đang khẩn trương thực hiện ý tưởng thiết kế quy hoạch cho 20 ô phố tại khu vực trung tâm hiện hữu TP.HCM.

UBND TP.HCM cũng đang xem xét bản dự thảo do Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM trình về việc tổ chức đấu thầu công khai các dự án khu vực trung tâm TP.HCM để sớm ban hành. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang nóng lòng muốn tham gia các dự án tầm cỡ này để góp phần tạo nên diện mạo mới cho thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông.

Hấp dẫn các nhà đầu tư

Ông Nguyễn Trọng Hòa cho rằng sức ép về đầu tư ở khu trung tâm TP.HCM hiện nay rất lớn. Ngoài hai khu đất "vàng" Công ty cổ phần Vincom đã nhận được quyết định chấp thuận đầu tư từ UBND TP.HCM, giữa tháng 7 vừa qua, Sở QH-KT cũng đã phát ra đầu bài cho cuộc thi quy hoạch khu đô thị trung tâm TP.HCM với diện tích 930 ha, trong đó có diện tích của 20 khu đất nằm ở quận 1 có tổng diện tích trên 50 ha, diện tích khu nhỏ nhất là 2.530 m2 và lớn nhất là khu Ba Son với diện tích hơn 22 ha. Lãnh đạo Sở QH-KT cho biết, trong số 20 khu đất này, quy hoạch thiết kế 10 khu cũng đã được đưa ra để các nhà đầu tư chọn lựa, trong đó có cả 2 khu đất Vincom đã được chọn là chủ đầu tư.

Một cán bộ lãnh đạo TP.HCM kể một câu chuyện cho thấy nhu cầu đầu tư vào khu vực trung tâm TP.HCM hiện đang rất lớn. Cách đây hơn một năm, một nhà đầu tư nước ngoài "tiếp thị" với TP.HCM dự án khổng lồ với tổng mức đầu tư là 10 tỉ USD để đầu tư vào 22 ha đất vàng của khu Ba Son. Ý tưởng của nhà đầu tư nước ngoài là nếu được thỏa thuận đầu tư sẽ biến khu đất đắt giá, thơ mộng nằm ven sông Sài Gòn thành một khu đô thị hiện đại với tên gọi Bason City 21.

Nhà đầu tư cũng sơ bộ thiết kế quy hoạch cho dự án này với các chức năng làm khu cao ốc văn phòng, chung cư cao cấp, khu thương mại dịch vụ và điểm nhấn là một tòa nhà cao 88 tầng... Nếu tính về hệ số sử dụng đất theo ý tưởng này thì diện tích sàn xây dựng của toàn bộ dự án rất cao, lên đến 2,5 triệu m2 và bằng một nửa diện tích sàn trong quy hoạch của toàn bộ khu đô thị mới Thủ Thiêm. Vị cán bộ này nói : "Đó là nhu cầu rất thật của các nhà đầu tư, nhưng lúc ấy thành phố chưa biết giải quyết ra sao với đề nghị này. Do vậy việc xúc tiến nhanh quy hoạch thiết kế khu đô thị trung tâm hiện hữu và hoàn chỉnh các kế hoạch kêu gọi đầu tư để nắm bắt cơ hội thay đổi diện mạo khu trung tâm TP.HCM là một yêu cầu bức thiết".

Cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo một số vấn đề về tiêu chí đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án tại khu trung tâm TP.HCM với phương châm là phải chắt lọc nhà đầu tư có năng lực. Các yêu cầu cơ bản được đưa ra là thời gian thực hiện dự án không kéo dài quá 5 năm; các dự án dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn tại khu trung tâm hiện hữu không được bố trí căn hộ, hạn chế tối đa căn hộ cho thuê; phải phục vụ tái định cư khi có yêu cầu. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài phải kèm theo điều kiện có hoạt động tại Việt Nam, có giới thiệu của cơ quan ngoại giao và bảo lãnh của ngân hàng. Trên cơ sở chỉ đạo này, Sở KH-ĐT TP.HCM cũng đã soạn thảo một bản dự thảo cho việc đấu thầu công khai các dự án tại khu vực trung tâm TP để trình UBND TP.HCM ban hành trong nay mai.

Diện mạo mới sẽ như thế nào?

Theo bản thiết kế quy hoạch của Sở QH-KT TP.HCM đưa ra tại 10 khu đất kêu gọi đầu tư trước thì chiều cao xây dựng tối đa của tất cả các dự án là 65 tầng. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn về quy hoạch, việc thiết kế, chỉnh trang khu đô thị trung tâm hiện hữu sao cho hài hòa với khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai là vấn đề phải tính toán và cần đặt lên hàng đầu. Giới chuyên môn cũng cho rằng cần phải tham khảo việc xây dựng đô thị Thượng Hải (Trung Quốc) bởi Thượng Hải có nhiều nét tương đồng với TP.HCM, có thể rút kinh nghiệm cho việc đầu tư xây dựng tốt hơn.

Một kiến trúc sư từng nghiên cứu kỹ mô hình đô thị Thượng Hải cho rằng TP.HCM nên tránh tình trạng đã từng xảy ra ở Thượng Hải, đó là không nghiên cứu kỹ việc kết nối hai bờ Đông- Tây nên bị hạn chế về giao thông và sau đó phải bỏ ra một số vốn lớn để khắc phục nhược điểm này nhưng cũng rất khó khăn bởi lúc đó bờ Đông của sông Hoàng Phố đã xây dựng xong một số công trình. Vị kiến trúc sư này phân tích : "Với ý chí của TP.HCM thì khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được xây dựng nhanh sau khi hệ thống giao thông như cầu Thủ Thiêm hoàn thành vào cuối năm nay, hầm Thủ Thiêm và đại lộ Đông-Tây hoàn thành vào cuối năm 2008. Như vậy, có thể nói cả hai khu đô thị cũ và mới cũng sẽ xây dựng cùng một lúc vì hiện nay đang khẩn trương kêu gọi đầu tư thì khu trung tâm TP.HCM hiện hữu cũng sẽ chuyển động xây dựng trong vòng 1 -2 năm tới. Do vậy, vấn đề thiết kế quy hoạch sao cho hài hòa là hết sức quan trọng".

Kiến trúc sư Lê Văn Năm thì cho rằng: " Việc thiết kế khu trung tâm phải chú ý đến việc bảo tồn. Phải làm sao khi đi giữa đô thị hiện đại vẫn cảm được cái hồn của Sài Gòn xưa". Ông Lê Văn Năm cũng đánh giá : "10 -15 năm trước, nhiều ý kiến cho rằng phải bảo tồn khu trung tâm nhưng trước nhu cầu hiện nay, việc đầu tư cải tạo song song với việc bảo tồn là một vấn đề cấp thiết".

Với yêu cầu kêu gọi đầu tư vào các khu đô thị mới tại TP.HCM, nhiều chuyên gia kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng cần phải tham khảo về những khó khăn cũng như thuận lợi của việc xây dựng đô thị cũ và mới của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là một khi giá trị địa ốc tại các khu đô thị mới, bao gồm cả việc quy hoạch xây dựng mới các ô phố tại khu trung tâm hiện hữu TP.HCM lên cao thì chi phí đền bù giải tỏa cho người dân cũng phải cao ở mức tương ứng. Đó chính là tiền đề để nhận được sự đồng thuận của người dân khi tiến hành chỉnh trang, xây dựng khu trung tâm TP.HCM.

20 khu đất "vàng" tại trung tâm TP.HCM



Khu tứ giác Bến Thành trong các trục đường Phạm Ngũ Lão - Lê
Thị Hồng Gấm - Calmette - Phó Đức Chính được quy họach
 công trình từ 60 - 65 tầng - Ảnh: Đ.N.Thạch


Khu tứ giác Bến Thành; khu tứ giác Trần Hưng Đạo -Phạm Ngũ Lão - Yersin - Nguyễn Thái Học; khu Bệnh viện Sài Gòn; khu Eden; khu đối diện khách sạn Park Hyatt (góc Nguyễn Siêu -Hai Bà Trưng -Đông Du); khu đối diện khách sạn Park Hyatt (Lê Thánh Tôn -Thi Sách - Cao Bá Quát - Hai Bà Trưng); khu đất Bia Sài Gòn; khu Sở Văn Hóa -Thông Tin; khu chợ Dân Sinh và khu nhà phố; khu tứ giác Mả Lạng (Cống Quỳnh -Nguyễn Cư Trinh -Trần Đình Xu -Nguyễn Trãi); khu 87 Cô Giang; khu góc Nguyễn Du -Chu Mạnh Trinh; khu Sở Giáo dục -Đào tạo; khu 25 bis Nguyễn Thị Minh Khai; khu CLB Thể dục 257 Trần Hưng Đạo; khu Nhà máy đóng tàu Ba Son; khu tứ giác Lê Lợi - Đồng Khởi -Nguyễn Huệ -Nguyễn Thiệp; khu vực chợ Bến Thành; khu 6 ô phố kế chợ Bến Thành; khu tứ giác Pasteur - Tôn Thất Đạm - Huỳnh Thúc Kháng -Tôn Thất Thiệp.

10 ô phố đã được Sở QH-KT quy hoạch thiết kế, kêu gọi đầu tư

*Khu tứ giác Bến Thành: 8.500m2, nằm trong các trục đường Phạm Ngũ Lão - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette - Phó Đức Chính. Thiết kế chiều cao tối đa 220m, tầng cao công trình từ 60 -65 tầng. Xây dựng văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ và 25% tổng diện tích sàn của dự án dùng để ở.

*Khu tứ giác Trần Hưng Đạo -Phạm Ngũ Lão -Yersin -Nguyễn Thái Học: 13.000m2, chiều cao tối đa 260m, tầng cao công trình 60 -65 tầng. Xây dựng khách sạn cao cấp, văn phòng, trung tâm tài chính thương mại và không bố trí xây dựng chung cư để ở.

*Khu Sở Văn hoá - Thông tin tại 164 Đồng Khởi: 4.900m2, do đối diện với nhiều công trình văn hóa có giá trị kiến trúc, bảo tồn cao nên thiết kế tầng cao công trình tối đa là 15 tầng với chức năng thương mại dịch vụ văn hóa, khu trưng bày triển lãm.

*Khu đối diện Thương xá Tax: khoảng 6.000m2 được giới hạn bởi các đường Nguyễn Huệ - Nguyễn Thiệp - Đồng Khởi - Lê Lợi, dùng để làm văn phòng, khách sạn cao cấp, cửa hàng thương mại bán lẻ, không xây dựng chung cư để ở, thiết kế tầng cao công trình từ 5 -22 tầng.

*Khu Bệnh viện Sài Gòn: 5.400m2, một mặt giáp đường Lê Lợi, một mặt giáp đường Huỳnh Thúc Kháng. Quy hoạch xây dựng văn phòng, khách sạn, thương mại dịch vụ trong đó ưu tiên cho khách sạn, tầng cao 40 -45 tầng, chiều cao tối đa 160 -180m.

*Khu tứ giác Eden: Khoảng 8.800m2, giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn -Nguyễn Huệ -Đồng Khởi -Lê Lợi. Chức năng : khu dịch vụ văn phòng cao cấp, khách sạn cao cấp, cửa hàng thuơng mại bán lẻ.tầng cao từ 5 -8 tầng, chiều cao tối đa 30m, mật độ xây dựng tối đa 75%.

*Khu vực số 66 - 68-70 Lê Thánh Tôn (Sở GD -ĐT): 8.330m2, xây dựng dịch vụ cao cấp như văn phòng, khách sạn, cửa hàng thương mại, không xây dựng căn hộ kinh doanh. Chiều cao tối đa 90m, mật độ xây dựng 50 - 60%.

*Khu Công viên 23.9: 9,46 ha, giới hạn bởi các đường Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Vòng xoay Quách Thị Trang. Chức năng : Công viên cây xanh, quảng trường, ga xe điện ngầm, trạm điều hành xe buýt và thương mại dịch vụ.

*Khu đất đối diện khách sạn

Park Hyatt (phía công trường Lam Sơn): 8.180m2, giáp Công trường Lam Sơn, đường Hai Bà Trưng, Đông Du, các cạnh còn lại giáp với khách sạn Caravelle. Chức năng: văn phòng, khách sạn cao cấp.

*Khu đối diện khách sạn Park Hyatt (phía đường Hai Bà Trưng): 11.200m2, giáp các đường Thi Sách, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn và Cao Bá Quát. Chức năng làm khu khách sạn cao cấp, văn phòng. Tầng cao tối đa 104m, mật độ xây dựng cao nhất 60%. (Nguồn : Sở QH -KT TP.HCM)



Theo Thanh Niên