Căn cứ đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị trên cơ sở tiếp quản lực lượng thanh tra xây dựng (TTXD) các quận, huyện, thị xã trong hai năm. Với lần “thay áo” thứ 3 chỉ trong vòng 4 năm, liệu có đủ giúp việc quản lý xây dựng và quy hoạch Thủ đô đạt hiệu quả cao hơn?
Công trình chỉ bị đình chỉ toàn diện khi đã kịp thi công 18 tầng không có GPXD.
|
Vi phạm bùng phát lúc “tranh tối, tranh sáng”
Trước tháng 5/2013, lực lượng quản lý trật tự xây dựng tại Hà Nội được đặt ở quận, huyện, thị xã. Thực hiện Nghị định 26 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng, có hiệu lực từ ngày 15/5/2013, thành phố Hà Nội đã làm thủ tục tiếp nhận và bàn giao lực lượng TTXD từ quận, huyện, thị xã về Sở Xây dựng đối với gần 1.400 cán bộ, công chức. Đồng thời, thành lập các Đội TTXD quận, huyện quản lý địa bàn. Tuy nhiên, thực tế hoạt động cho thấy sự phối hợp giữa lực lượng quản lý trật tự xây dựng và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả xử lý vi phạm chưa cao.
Để quản lý trật tự xây dựng và hoạt động của TTXD có hiệu quả, thống nhất, phân định rõ trách nhiệm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất thành phố mô hình quản lý; trực tiếp chỉ đạo, điều hành Đội TTXD địa bàn. Kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý vi phạm về TTXD. Trong khi Sở Xây dựng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý biên chế của lực lượng TTXD.
Trước khi được Chính phủ đồng ý cho thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị, tháng 9/2016, thành phố Hà Nội bắt đầu giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo, điều hành trực tiếp Đội TTXD địa bàn để thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo Quyết định 3973. Tuy nhiên, việc chuyển giao về UBND quận, huyện quản lý trong điều kiện chưa có quy chế rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ với Thanh tra Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan đã để lộ ra nhiều “lỗ hổng” quản lý, khiến cho việc xử lý các công trình vi phạm đạt hiệu quả thấp, thậm chí có tình trạng chính quyền địa phương “đá bóng” trách nhiệm lên Thanh tra Sở Xây dựng khi báo chí phát hiện các công trình vi phạm.
Như công trình tòa nhà HH-01 thuộc dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) do Công ty CP địa ốc Alaska làm chủ đầu tư là ví dụ. Từ tháng 5/2016 cho đến tháng 1/2017, UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Đại Mỗ, Đội TTXD đã ban hành rất nhiều quyết định đình chỉ thi công, xử phạt hành chính cùng với lỗi thi công khi chưa có Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, đến lúc sự việc bị phanh phui và các cơ quan chức năng đình chỉ toàn diện, chủ đầu tư đã kịp thi công đến tầng 18. Trong số các nguyên nhân dẫn đến vi phạm, việc giao thời chuyển giao giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận cũng được nhiều lần nêu ra.
Ở quận Bắc Từ Liêm, mới đây Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt Trường quốc tế Newton nằm ngay tại Khu đô thị Nam Cường, thuộc phường Cổ Nhuế 1, vì xây dựng khối tòa nhà 7 tầng không phép. Điều đáng nói, công trình vi phạm có quy mô xây dựng lớn, thi công kéo dài trong nhiều năm nhưng UBND phường Cổ Nhuế và Đội TTXD quận Bắc Từ Liêm lại không phát hiện vi phạm, không có hồ sơ lưu trữ về những vi phạm của chủ đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, ông Trần Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, một số quận ven đô và huyện còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công như: Đông Anh, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Gia Lâm... Việc xử lý vi phạm của các địa phương còn lúng túng, thậm chí có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, chưa kịp thời xử lý ngăn chặn vi phạm. Theo ông Trung, việc chính quyền địa phương chưa quyết liệt, triệt để dẫn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lực lượng thanh tra xây dựng cấp quận, huyện còn nhiều hạn chế, vi phạm về trật tự xây dựng chưa được xử lý kịp thời.
Hạn chế vi phạm bằng cách nào?
Thực ra, đây không phải lần đầu Hà Nội thay đổi mô hình quản lý lực lượng TTXD. Tuy nhiên, việc thiếu chế tài xử lý và thái độ thiếu kiên quyết, buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê” của chính quyền địa phương đã khiến tình trạng vi phạm xây dựng ngày càng diễn biến phức tạp, đến lúc phát hiện vi phạm thì hầu hết công trình đã đến giai đoạn hoàn thiện.
Theo đề án vừa được Chính phủ đồng ý, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã sẽ trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã. Có chức năng giúp Chủ tịch UBND quận, huyện thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật như: Quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, thực hiện kiểm tra chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng trên địa bàn về việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, xử lý các hành vi vi phạm. Cùng với đó, quyền hạn của đội trưởng và trách nhiệm của người đứng đầu UBND quận, huyện cũng được làm rõ khi đội trưởng có quyền xử phạt tiền với các hành vi vi phạm, được yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp các tài liệu lên quan đến việc xây dựng công trình. Được lập hồ sơ vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng của chủ đầu tư và nhà thầu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, để kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố xử lý…, Chủ tịch UBND quận, huyện có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm đội trưởng và đội phó theo quy định.
Nói về đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, một đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi Chính phủ đồng ý, UBND thành phố đã giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện và ban hành quy chế hoạt động của mô hình mới, trong đó sẽ tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý và điều hành của chủ tịch quận, huyện, thị xã. Đồng thời, cũng làm rõ vai trò trách nhiệm giám sát của Thanh tra Sở Xây dựng, đặc biệt là thẩm quyền đề xuất xử lý kỷ luật đối với các vị trí lãnh đạo chủ chốt khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng cho biết, muốn đẩy lùi vi phạm xây dựng Hà Nội cần sớm ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng để tránh sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Theo số liệu vừa công bố, từ năm 2014 đến nay, toàn thành phố đã xử lý kỷ luật 50 cán bộ. Tuy nhiên, số liệu này không đủ nói nên điều gì nếu không gắn “ghế” chủ tịch quận, huyện vào việc quản lý trật tự xây dựng. Để tránh tình trạng vi phạm bùng phát trong quá trình chuyển giao, Hà Nội cần đẩy nhanh việc xây dựng quy chế để mô hình thí điểm sớm được triển khai.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong