Thầu ngoại ùn ùn “chiếm” các công trình Việt Nam

Cập nhật 04/04/2009 13:50

Có thể các nhà thầu nước ngoài nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nước họ, kể cả chính sách thuế, nên giảm mạnh giá bỏ thầu. Vì vậy, họ thường nắm phần thắng khi đấu thầu. Nên các công trình lớn như Đạm Cà Mau, nhà máy điện ở Hải Phòng, khi xây dựng lúc nào cũng có hàng ngàn công nhân nước ngoài...

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng cần thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ thị trường nội địa, chống gian lận thương mại, nhập khẩu tràn lan.

"Nhiều dự án lớn trong ngành xây dựng của Việt Nam đều do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu và thực hiện". Đó là nhận định đáng quan tâm được đưa ra tại buổi tọa đàm về kích cầu xây dựng do Tổng hội Xây dựng vừa tổ chức. Điều này không chỉ đẩy không ít nhà thầu trong nước rơi vào cảnh lao đao, mà còn dẫn đến thực trạng rất nhiều dự án lớn trong nước đã được triển khai, nhưng hàng hóa, nguyên liệu Việt Nam thì không thể tiêu thụ được…

Thua thầu không phải vì không đủ năng lực!

Bàn đến vấn đề này, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Trần Ngọc Hùng thẳng thắn cho hay, hiện nay các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất... "Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được"... Điều này đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động xây dựng trong nước.

Ông Hùng cũng khẳng định, chủ trương kích cầu xây dựng là đúng, nhưng nhìn vào thực tế thì các nhà thầu Việt Nam đang rất lo lắng vì các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Nhiều nhà thầu trong nước chỉ còn biết khoanh tay đứng nhìn các nhà thầu nước ngoài vào thực hiện các dự án trọng điểm. Đơn cử như trường hợp xây dựng Nhà máy Điện Hải Phòng gần như 100% là công nhân nước ngoài.

Trong khi đó không thể nói rằng chúng ta không có khả năng về nhân công cũng như nguồn cung vật liệu xây dựng. Để xảy ra tình trạng này, chúng ta không thể đổ lỗi cho các nhà thầu nước ngoài vì rào cản lại chính là quy định trong Luật Đấu thầu của nước ta không rõ ràng, chi tiết, đã tạo kẽ hở.

Kẽ hở ở đây chính là khi nhà thầu nước ngoài cùng các nhà thầu trong nước tham gia đấu thầu một dự án lớn, cùng vượt khung về điểm kỹ thuật, nhưng khi đòi hỏi kinh nghiệm thực hiện thì ta thường thua. Đấy là chưa kể đến giá thành vật liệu xây dựng trong nước, dù Việt Nam có nhiều mặt hàng sản xuất thành công, và có khả năng xuất khẩu được như kính xây dựng, xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh… song lại có không ít mặt hàng như thép giá nhập khẩu rẻ hơn so với giá thành sản phẩm trong nước làm ra nên dẫn đến sức cạnh tranh thấp.

Và một khi nhà thầu nước ngoài trúng tổng thầu EPC, tức là họ sẽ đảm nhận từ việc lập dự án, thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây dựng, đồng nghĩa với việc nước trúng thầu có thể mang nhân công, vật liệu từ ngoài vào như vậy sẽ dẫn đến tình trạng hàng hóa trong nước không thể tiêu thụ được, nhân công thì không có việc làm…

Cùng chung quan điểm, ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam - cho biết hiện nay không chỉ một mà hơn 10 công trình xây dựng nhà máy xi măng, nhiều dự án nhà máy điện lớn ở Việt Nam đều đang được các nhà thầu Trung Quốc làm.

Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc, theo ông Huynh, là họ không thuê nhân công Việt Nam, mà đem người từ nước họ sang. Hơn nữa là một số loại vật liệu của bạn được đem qua Thái Lan rồi vòng vào Việt Nam. Máy móc thiết bị không nhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang.

Về vấn đề này, đại diện của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, có thể các nhà thầu nước ngoài nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nước họ, kể cả chính sách thuế, nên giảm mạnh giá bỏ thầu. Vì vậy, họ thường nắm phần thắng khi đấu thầu. Nên các công trình lớn như Đạm Cà Mau, nhà máy điện ở Hải Phòng, khi xây dựng lúc nào cũng có hàng ngàn công nhân nước ngoài...

Hỗ trợ nhà thầu trong nước bằng cách nào?

Nói về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng cho rằng, nếu các công trình lớn đều rơi vào các nhà thầu ngoại thì nội lực sẽ dần bị triệt tiêu. Trên thực tế, Luật Đấu thầu cũng có quy định nhà thầu nước ngoài trúng thầu phải sử dụng lực lượng lao động địa phương, sử dụng vật tư thiết bị trong nước có. Nhưng trong suốt mấy năm qua nhiều dự án xi măng, nhà máy nhiệt điện, khai khoáng, tổng thầu EPC nước ngoài thường đưa toàn bộ lao động người nước ngoài vào, từ lao động phổ thông, cấp dưỡng, bảo vệ, công nhân kỹ thuật, nhập 100% thiết bị. Giải thích về vấn đề này, chủ đầu tư, nhà quản lý cho rằng, "công trình giá rẻ, thời gian thi công nhanh là được. Quan niệm như thế là không ổn", Tiến sĩ Trần Văn Huynh nhấn mạnh.

Cũng theo Tiến sĩ Huynh, để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp cũng như các nhà thầu trong nước có điều kiện phát triển, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng cục Hải quan sớm thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ thị trường nội địa, chống gian lận thương mại, nhập khẩu tràn lan.

Còn theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong điều kiện chúng ta không đủ vốn để thực hiện các dự án lớn, thì việc Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư ngoài nước vào đầu tư là lẽ đương nhiên. Mà đã kêu gọi thì phải tạo điều kiện cho họ, thế nhưng trong quá trình đưa ra các quy định liên quan, thì lại không có nhiều điều khoản bảo vệ quyền cho các nhà thầu trong nước, nên ta thường bị yếu thế.

Thiết nghĩ, Chính phủ nên xem xét lại chủ trương, chính sách, quy chế thực hiện tổng thầu nước ngoài EPC để có quyết sách phát huy nội lực, triệt để sử dụng lực lượng lao động trong nước, thiết kế, giám sát xây dựng trong nước, vật tư xây dựng trong nước, chế tạo 40-50% thiết bị trong nước để tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương.

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân