Dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn thành phố tính đến hết năm 2007 đạt 34.700 tỉ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Và cùng với chính sách siết chặt tiền tệ, tín dụng bất động sản cũng chung số phận
Mặc dù, ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ mới khuyến cáo, chưa đưa ra một biện pháp trực tiếp cụ thể nào, nhưng theo các ngân hàng, việc hạn chế đưa tiền vào lưu thông chính là biện pháp mạnh để “siết” tín dụng bất động sản. Vì hết tiền, ngân hàng sẽ không còn vốn cho khách hàng vay mua nhà, đất.
Hút bớt tiền để hạn chế cho vay bất động sản
Cung tiền đồng trên thị trường khan hiếm ngay từ những ngày giữa năm 2007 khi thị trường bất động sản ấm dần lên. Nhu cầu vay vốn mua nhà, đất tăng cao là cơ hội cho ngân hàng “bơm” tiền vào bất động sản. Theo đó, nhiều loại hình dịch vụ cho vay mua nhà, đất trả góp, với giá trị tiền vay gia tăng, lãi suất cạnh tranh và thời gian trả nợ gia hạn đến 30 năm… được các ngân hàng tung ra.
Đặc biệt, khi giá bất động sản quá nóng, kéo theo làn sóng đầu cơ kiếm lời, tạo nguy cơ bong bóng trên thị trường bất động sản. Sự hỗ trợ đắc lực của nguồn tiền ngân hàng đã nhanh chóng thổi hơi cho giá nhà, đất những ngày cuối năm cũ và đầu năm Mậu Tý.
Chính vì vậy, NHNN đã đưa ra khuyến cáo về rủi ro đối với việc cho vay vốn kinh doanh bất động sản. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của hoạt động ngân hàng trên địa bàn năm 2008 diễn ra mới đây, ông Hồ Hữu Hạnh - giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn tính đến hết năm 2007 đạt 34.700 tỉ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
Đáng chú ý tỷ lệ này ở một số ngân hàng cổ phần tương đối cao, chiếm đến 30 - 40% trên tổng dư nợ. Trong khi, hoạt động tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đang chứa đựng nhiều rủi ro. Để hạn chế lạm phát, hạn chế rủi ro cho các ngân hàng và góp phần làm ổn định thị trường bất động sản, NHNN đã có những động thái “siết” tín dụng bất động sản sớm hơn dự đoán của nhiều người bằng cách rút bớt tiền trong lưu thông và không vội thực hiện các biện pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Việc thông báo mở cửa mua thêm USD của NHNN chủ yếu chỉ là hình thức. Còn trên thực tế, lượng ngoại tệ hút về rất ít. Các ngân hàng đang phải đau đầu với tình trạng nguồn ngoại tệ “thừa mứa”, trong khi cung VND lại quá khan hiếm. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có thời điểm được chào với giá 27%/năm. So với lãi suất cho vay của ngân hàng hiện nay thì hiện lãi suất qua đêm cao hơn gấp đôi.
Theo một lãnh đạo VIBBank, không khác gì NHNN đã “siết” các ngân hàng cho vay bất động sản, vì những động thái trên khiến ngân hàng cạn vốn. Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.
Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra khuyến cáo với các ngân hàng phải thận trọng hơn trong cho vay bất động sản để có giải pháp tín dụng thật sự hiệu quả, đồng thời quan tâm trong hoạt động cho vay đầu tư vào bất động sản, tăng cường thẩm định dự án, đánh giá hiệu quả, phân tích, nắm bắt thông tin về dự án cũng như khách hàng.
Cần xem xét cụ thể
Bất động sản tiếp tục “sốt”, NHNN vào cuộc “siết” cho vay là điều đã và đang thể hiện rõ nét trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số ngân hàng nếu không có sự xem xét và phân loại đối với từng sản phẩm tín dụng cho vay bất động sản thì vô tình việc “siết” cho vay của NHNN sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, đời sống của những người có thu nhập ổn định cần nhà ở…
Một cán bộ cấp cao của ABBank cho rằng, trên thực tế nhu cầu về nhà ở đối với những người có thu nhập thấp nhưng ổn định hiện rất cao. Vấn đề này được chính phủ quan tâm và khuyến khích sự hỗ trợ vốn của các ngân hàng cho người dân.
Trên thực tế, dịch vụ cho vay mua nhà trả góp, lãi suất cạnh tranh, thời gian trả nợ kéo dài và hạn mức cao của ngân hàng rất cần đối với những người có thu nhập ổn định mua nhà ở khi khả năng vốn không đủ để trả chủ đầu tư cùng một lúc.
Như vậy, nếu siết tín dụng cho vay bất động sản, những đối tượng trên không còn cơ hội mua nhà. NHNN cần có sự xem xét kỹ trước khi áp dụng các biện pháp “siết chặt” cho vay bất động sản.
Còn đại diện DongABank cho rằng, nền kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu về cơ sở hạ tầng, khu đô thị, nhà ở và không chỉ có các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội mà ở những thành phố đang phát triển rất cần đến vốn ngân hàng để đổi mới.
Do đó, NHNN cần có sự phân loại từng sản phẩm tín dụng bất động sản cũng như nhu cầu của từng khu vực khác nhau. Chẳng hạn như cho vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng nhà ở tại thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng hoặc các tỉnh, thành khác thì ý nghĩa sẽ khác với TP.HCM và Hà Nội.
“Ngân hàng Nhà nước phải khuyến khích ngân hàng cho vay để hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc xây dựng các dự án phát triển ở những khu đô thị, thành phố mới đang phát triển. Vì trong đầu tư vào bất động sản, hiếm chủ đầu tư nào của Việt Nam có khả năng vốn tự có lên đến 1.000 - 2.000 tỉ đồng để cùng lúc chuyển tiền mua một khu đất dự án”, vị đại diện trên cho biết thêm.