Thấp thỏm PCCC ở các chung cư cũ

Cập nhật 18/09/2018 09:30

Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng được chính quyền và ngành chức năng TPHCM triển khai quyết liệt hơn kể từ sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (tháng 3-2018) làm 13 người chết. Tuy vậy, kết quả đến nay chưa như mong đợi và thực tế có rất nhiều chung cư, đặc biệt là các chung cư cũ vẫn đang trong tình trạng cảnh báo cháy nổ.

Trung bình mỗi năm 7 vụ cháy

Không thẩm duyệt và nghiệm thu PCCC; nguồn nước, giao thông phục vụ chữa cháy không đảm bảo; lối thoát nạn bị cơi nới, chiếm dụng, che bít; lực lượng PCCC tại chỗ không có, hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả… Đó là thực trạng chung về công tác PCCC tại các chung cư cũ ở TPHCM hiện nay, hiểm họa cháy nổ từng ngày từng giờ rình rập các chung cư này; thế nhưng, các giải pháp của chính quyền và ngành chức năng lại đang bỏ ngỏ.

Được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1997, Lô G chung cư Hùng Vương (phường 11, quận 5) hiện tồn tại rất nhiều vi phạm, hơn 200 hộ dân cư ngụ ở đây có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Cụ thể, tầng hầm được sử dụng làm bãi xe nhưng không có hệ thống báo cháy - chữa cháy tự động, không lắp đặt máy bơm nước chữa cháy. Nguy hiểm hơn, từ năm 2017, đơn vị quản lý tầng hầm còn tự ý ngăn một phần hầm để làm kho chứa hàng hóa của siêu thị bên cạnh, khiến gia tăng nguy cơ cháy lan, cháy lớn.

Khuôn viên và đường nội bộ Lô G chung cư Hùng Vương bị chiếm dụng kinh doanh bãi xe, ảnh hưởng lớn đến PCCC

“Ở phía trên, khuôn viên và đường nội bộ đồng thời cũng là lối thoát nạn của người dân chung cư bị một số tổ chức, cá nhân chiếm dụng làm bãi giữ xe máy, ô tô. Nếu xảy ra cháy, cư dân khó thoát được ra ngoài, trong khi xe cứu hỏa cũng khó vào để chữa cháy, cứu nạn. Lúc đó, tính mạng của chúng tôi không biết thế nào!”, ông Thanh, cư dân ở chung cư lo lắng.

Điều khiến cư dân bức xúc hơn cả là dù phản ánh nhiều lần, song đến nay các vi phạm PCCC tại Lô G chung cư Hùng Vương vẫn không được chính quyền địa phương và ngành chức năng xử lý dứt điểm. Trong hàng loạt vi phạm PCCC ở Lô G chung cư Hùng Vương, đáng lo ngại nhất là hành vi chưa thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư vẫn đưa công trình vào sử dụng và đây là một trong số hàng trăm chung cư cũ ở TPHCM không đảm bảo an toàn PCCC hiện nay.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM, từ năm 2012 - 2016, TPHCM xảy ra 34 vụ cháy tại các nhà cao tầng, trong đó 26 vụ cháy tại các chung cư cũ, trung bình mỗi năm 7 vụ.

Nâng chất lực lượng PCCC tại chỗ

Nói về giải pháp khắc phục các vi phạm về PCCC, phòng ngừa cháy nổ, ban quản trị các chung cư cũ như Ấn Quang, Ngô Gia Tự (quận 10), Phạm Thế Hiển (quận 8) cho biết, các chung cư trên xây dựng trước khi Luật PCCC ra đời nên không được thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC. Thời gian vận hành chung cư đã lâu, kỳ hạn bảo hành của chủ đầu tư đã hết, chung cư không có phí bảo trì. “Để có kinh phí cải tạo, nâng cấp, lắp mới hệ thống PCCC, ban quản trị phải vận động cư dân; tuy nhiên, phần lớn cư dân sống ở khu chung cư này đều có thu nhập thấp nên không đóng phí, có hộ cho người khác thuê ở, rất khó vận động”, đại diện Ban quản trị chung cư Phạm Thế Hiển nêu vấn đề, đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí; hoặc can thiệp để chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng (nếu là chung cư tái định cư) có phương án đầu tư, hỗ trợ hoàn thiện hệ thống PCCC.

Về phía Cảnh sát PCCC TPHCM, đơn vị này cho biết đang tham mưu để UBND TPHCM đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm kêu gọi nhà đầu tư tham gia cải tạo, sửa chữa các chung cư cũ; trong đó có việc đầu tư, nâng cấp hệ thống PCCC theo quy định của Luật PCCC. Đồng thời kiến nghị Sở Xây dựng TP, UBND các quận huyện đẩy nhanh việc rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm các chung cư có chủ đầu tư, chủ căn hộ vi phạm, tự ý cơi nới, sử dụng sai công năng các hạng mục công trình, kéo theo nhiều nguy cơ cháy nổ. “Đối với các chung cư không chịu khắc phục vi phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý. Sau khi nhắc nhở, xử phạt hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn cố tình để sai phạm kéo dài, đe dọa mạng sống người khác, chúng tôi sẽ tập hợp hồ sơ, chứng cứ chuyển cơ quan điều tra khởi tố, xử lý hình sự”, đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC TPHCM kiên quyết.

Trước mắt, để kéo giảm nguy cơ cháy và hậu quả để lại (trong trường hợp xảy ra cháy) tại các chung cư cũ, Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết sẽ tập trung hỗ trợ ban quản trị các chung cư nâng chất lực lượng PCCC tại chỗ. Chung cư nào chưa có đội PCCC sẽ được thành lập, còn đã có nhưng thiếu về nhân sự, yếu nghiệp vụ sẽ được bổ sung, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức về PCCC. Cùng với đó sẽ tăng cường tổ chức diễn tập thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn tại các chung cư cũ (ít nhất 2 lần/năm/chung cư) để vừa tuyên truyền ý thức cho cư dân trong việc chấp hành các quy định về PCCC vừa nâng cao tính chủ động, khả năng phối hợp, ứng phó, xử lý khi có sự cố cháy nổ của lực lượng PCCC tại chỗ.

Thực tế trên cho thấy công tác PCCC ở các chung cư cũ tại TPHCM còn nhiều thách thức. Để tránh những tai nạn, sự cố cháy nổ đáng tiếc xảy ra, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể các cấp cần quan tâm, làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình để có giải pháp PCCC hiệu quả trong thời gian tới.

Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TPHCM, toàn thành phố hiện có 474 chung cư được xây dựng trước khi có Luật PCCC năm 2001, đa số trước năm 1975. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn chung cư này đều xuống cấp và vi phạm nhiều quy định về PCCC, kéo theo nguy cơ cháy nổ cao.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP