Tháo nút thắt giá đất bồi thường

Cập nhật 11/03/2013 08:38

Nhiều vấn đề mấu chốt trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan mật thiết tới đời sống người dân chưa nhận được sự đồng thuận. Không chỉ từ phía người dân, chính các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng rất băn khoăn, lo ngại quy định mới không tháo gỡ được những vướng mắc, tồn tại cũ.

Giá đất bồi thường còn cách khá xa giá thị trường. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục bồi thường đất tại quận Hà Đông, Hà Nội

Cứng nhắc sẽ hỏng việc

Trong hệ thống chính sách đất đai, với một địa phương có tới hàng nghìn dự án phải GPMB hàng năm như Hà Nội, mối quan tâm hàng đầu của người dân chính là vấn đề giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Thay vì “giá đất sát giá thị trường” như quy định hiện hành, dự thảo đưa ra nguyên tắc “phù hợp với giá thị trường”, song vẫn khiến người dân lo ngại bởi sự mơ mồ. Đại diện Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội thắc mắc: “Cứ nói mãi giá đất phù hợp giá thị trường nhưng đây là thị trường nào? Vài năm trước thị trường bất động sản sốt nóng, giá đất cao nhưng nay trầm lắng, giá đất giảm thì tính toán thế nào? Thị trường lúc mới lập quy hoạch cũng rất khác với thị trường lúc giao đất, cho thuê đất bởi giá sẽ biến động mạnh khi có tác động chính sách”.

Một số doanh nghiệp lớn khác cho rằng, nếu vẫn duy trì cứng nhắc nguyên tắc hết sức chung chung kiểu “giá đất sát giá thị trường” hay “phù hợp thị trường”, sẽ rất khó cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Khiếu kiện đất đai sẽ không thể giảm nếu vẫn có những quy định mơ hồ như vậy. Do đó, để tháo gỡ được những vướng mắc trong công tác đền bù, GPMB, điều quan trọng nhất là phải làm rõ khái niệm thế nào là giá đất theo thị trường chứ không thể để mãi một quy định mơ hồ, thiếu tính khả thi như vậy.

Bảng giá bồi thường cứng nhắc, không theo kịp biến động của thị trường hay nói cách khác là thường cách quá xa so với giá thị trường, dễ gây thắc mắc, khiếu nại, là bất cập lớn hiện nay. Tại Hà Nội, bảng giá đất bồi thường mỗi năm đều có điều chỉnh nhưng không thể “sát thị trường” bởi mức trần đã bị khống chế theo khung giá đất của Chính phủ, vốn được ban hành từ năm 2004! Đơn cử, dù giá đất giao dịch thực tế ở khu trung tâm có lên tới 500 triệu đồng/m2, thậm chí cao hơn thì giá bồi thường không thể vượt quá mốc 81 triệu đồng/m2. Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Ngọc Anh phản ánh: “Giá đất áp dụng hàng năm của các tỉnh, TP chưa sát với thực tế, rất khó cho việc tính bồi thường. Điều này dẫn đến tình trạng tiền hỗ trợ lại lớn hơn tiền bồi thường nhiều lần. Hiện nay, kinh phí bồi thường cho 1m2 đất nông nghiệp tại huyện Phú Xuyên là 135.000 đồng/m2 trong khi kinh phí hỗ trợ đến 675.000 đồng”.

Cần cơ quan định giá độc lập

Cũng do bị “khóa” bởi khung giá trần đã lạc hậu, cách thức để nâng giá bồi thường cho dân hiện nay mà các địa phương đang áp dụng là xin điều chỉnh hệ số tăng kịch khung là 20%, tức là làm cho tổng số tiền người dân nhận được tăng lên 1,2 lần. Tại Hà Nội, “chiêu” này được áp dụng thường xuyên cho rất nhiều dự án, không chỉ ở nội thành mà cả ngoại thành. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Gia Lâm cho biết, có những dự án, UBND huyện GPMB rất vất vả, lần nào cũng phải xin điều chỉnh giá đất, mỗi lần giá tăng lên khoảng 20%. Từ thực tế trên, các địa phương đề xuất việc sửa luật phải khắc phục được tồn tại hiện nay, tránh việc phải “đi đường vòng” để nâng giá bồi thường cho người dân. Một số ý kiến cho rằng, cần thành lập Trung tâm Thẩm định giá đất độc lập, để giải quyết vấn đề giá đất, đảm bảo sự khách quan, công bằng và minh bạch.

Góp ý vào dự thảo luật, vấn đề cấp “sổ đỏ” cũng nhận được nhiều ý kiến. Đặc biệt, nhiều quận, huyện mong muốn việc sửa luật phải khắc phục được việc các khu đất, nhà ở hợp pháp của người dân nhưng hiện vẫn chưa được cấp “sổ đỏ”. Ông Khuất Khắc Sơn, Trưởng phòng TN-MT huyện Thạch Thất kiến nghị: “Với những thửa đất không có giấy tờ, nên chia ra các thời điểm để cấp “sổ đỏ” cho dân”. Tương tự, với gần 12.000 trường hợp căn hộ thuộc sở hữu Nhà nước nhưng hồ sơ gốc đã bị thất lạc hoặc không còn cơ quan quản lý, người dân dù rất bức xúc nhưng chính quyền vẫn không thể giải quyết vì không đủ căn cứ. Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu thừa nhận, hiện nay, những khu đất, nhà ở chưa cấp được “sổ đỏ” đa phần là những địa chỉ có vấn đề hoặc liên quan đến tranh chấp, pháp luật. Ông nói: “Sở TN-MT Hà Nội đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ TN-MT nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết”.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô