Tháo gỡ khó khăn nguồn vốn BĐS: Trả đối tác bằng sản phẩm

Cập nhật 18/03/2011 15:40


Ảnh minh họa
Vốn đầu tư dự án đang là bài toán khó của không ít chủ đầu tư, cùng với đó là những khoản nợ phải trả đang khiến chủ đầu tư loay hoay tìm kiếm lối thoát khỏi vòng xoáy này.

Nguồn vốn đầu tư các dự án bất động sản của các doanh nghiệp chủ yếu từ vốn tự có của doanh nghiệp, vốn ứng trước của khách hàng, và quan trọng nhất là vốn vay từ các định chế tài chính như ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính khác…

Việc Chính phủ có chủ trương thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát sẽ gây khó khăn cho các Chủ đầu tư trong việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh này, nhiều Chủ đầu tư phải tính toán đến nhiều giải pháp khác nhau để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực, vừa đảm bảo tiến độ dự án, vừa đảm bảo được kế hoạch kinh doanh sẽ là bài toán vô cùng khó khăn

Dừng, cầm chừng hay tiếp tục…

Đầu tư, phát triển thành công một dự án bất động sản không hề dễ dàng cho bất cứ doanh nghiệp nào tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này, đặc biệt khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư bị hạn chế như hiện nay. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là các dự án sẽ dừng lại, cầm chừng hay sẽ tiếp tục triển khai trong năm nay?

Đẩy nhanh tiến độ dự án sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn

Hiện nay, giải pháp an toàn nhất mà nhiều doanh nghiệp đang có chủ trương thực hiện trong năm 2011 đó là lựa chọn kỹ càng theo hướng ưu tiên cho các dự án đầu tư có hiệu quả, chất lượng và có tính thanh khoản tốt, đảm bảo tiến độ thi công. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, hoàn thiện các thủ tục pháp lý nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đầu tư một cách từ từ với những gì có thể. Và chắc chắn, có những doanh nghiệp đã tính đến bài toán dừng hẳn dự án và có thể sẽ bán lại dự án do thị trường quá khó khăn.

Đại diện Viglacera Land cho rằng, việc vay vốn đầu tư bất động sản gặp nhiều khó khăn, và nếu vay được thì lãi suất cũng khá là cao. Bên cạnh đó, lạm phát, tỷ giá ngoại tệ, giá cả vật tư đều có xu hướng tăng cao làm chi phí đầu tư và giá thành sản phẩm BĐS sẽ tăng đáng kể. Đây là thử thách và khó khăn lớn cho các chủ đầu tư.

Viglacera Land sẽ tận dụng tối đa lợi thế về nguyên liệu đầu vào của dự án từ Tổng Viglacera, hạn chế được các rủi ro biến động chi phí đầu vào, tăng cường kiểm soát giá thành đầu ra của bất động sản.

Bên cạnh đó, các giải pháp huy động vốn tư các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ tiết kiệm nhà ở và trong tương lai có thể có quỹ tín thác bất động sản cũng sẽ được các doah nghiệp tính đến.

Có thể trả bằng sản phẩm thay vì tiền mặt

Với tình cảnh khó khăn về tiền mặt hiện nay, rất nhiều các giải pháp được đưa ra nhằm tối ưu hóa việc đầu tư dự án. Tuy nhiên, để đưa ra một phương án tối ưu nhất lại không dễ dàng gì. Trong hàng loạt những biện pháp được đề cấp đến, hiện nay lại có nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc đến việc thỏa thuận với đối tác của mình để trả sản phẩm cho họ khi hoàn thiện dự án thay vì phải trả bằng tiền mặt đối với các hợp đồng liên quan như nhà thầu, nhà cung cấp, nhà tư vấn,…

Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tài Nguyên, là một trong số doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị thực hiện nhiều dự án bất động sản chia sẻ, thỏa thuận với các đối tác của mình như nhà thầu, nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào,…thay vì trả tiền mặt cho những hợp đồng này thì chủ đầu tư có thể quy ra sản phẩm dự án với giá ưu đãi, sau khi hoàn thiện đối tác có thể kinh doanh những sản phẩm này.

Bởi vì khi không huy động được vốn mà để tiếp tục thực hiện dự án thì phải đạt được thỏa thuận với nhà thầu và các đối tác khác để họ nhận sản phẩm dự án thay vì tiền mặt. Tôi nghĩ rằng, đây có thể sẽ là một xu hướng trong thời điểm khó khăn về vốn như hiện nay.

Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp mà chúng tôi đã tính toán đến, nếu đạt được thỏa thuận giữa hai bên, thì tôi cho rằng đây là giải pháp rất tốt, và khả thi, vừa đảm bảo hai bên cùng có lợi, vừa tạo được mối quan hệ khăng khít, chia sẻ khó khăn với nhau giữa hai bên.

Ông Trương Chí Kiên, Phó Tổng giám đốc Him Lam Thủ Đô, cũng có cùng quan điểm và cho rằng, có thể đây là một xu thế trong thời điểm hiện nay. Nếu đạt được sự đồng thuận giữa chủ đầu tư và các bên liên quan đến dự án, thì có thể nói đó là một “phao cứu sinh” cho nhiều chủ dự án hiện nay, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu, mà muốn tiếp tục triển khai dự án trong bối cảnh hiện nay.

Trên thực tế, để chủ đầu tư có thuyết phục được đối tác của minh hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tiềm lực tài chính của đối tác, thị trường, giá cả,…

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản năm 2011 sẽ có nhiều khó khăn, tuy nhiên, các chủ đầu tư có tiềm lực, có uy tín, có tính chuyên nghiệp cao, các dự án đầu tư có hiệu quả tốt vẫn sẽ trụ vững và phát triển. Do đó, để thương thảo thành công với đối tác cũng không phải là dễ dàng, khi bên đối tác cũng phải cân nhắc bài toán đầu ra cho sản phẩm khi thị trường khó khăn, tiềm lực tài chính của mình đến đâu,…

DiaOcOnline.vn - Theo Cafef