Các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, vẫn chưa phát huy tác dụng do còn nhiều vướng mắc. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/7, các ngân hàng mới chỉ cam kết cho 150 khách hàng cá nhân vay với số tiền 46 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng với 139 khách hàng. Đối với các doanh nghiệp (DN), đã có hai dự án xác nhận được vay với số tiền gần 120 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, cần nhiều giải pháp đồng bộ thì mới có thể khơi thông được nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản.
Khó xác nhận thực trạng nhà ở
Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội là một chính sách mới, lần đầu được triển khai thực hiện tại Việt Nam, nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện. Và thực tế là đến nay, số lượng doanh nghiệp và cá nhân được vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân.
Khu nhà dành cho người thu nhập thấp ở xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú |
Cần nhiều giải pháp đồng bộ thì mới có thể khơi thông được nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản |
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Xung quanh vấn đề điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi dự án, chúng tôi cân nhắc lắm. Không phải mình làm khó doanh nghiệp mà bởi vì nó liên quan đến công tác quy hoạch và quy trình kỹ thuật. Nếu xét về góc độ lợi ích doanh nghiệp, người mua nhà thì có thể xem xét được, nhưng về lâu dài, việc điều chỉnh chắc chắn sẽ làm gia tăng dân số, phá vỡ quy hoạch, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật”. Vì vậy, ông Tín cho rằng, việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ phải đảm bảo hài hòa hai yếu tố: Quy hoạch và quy trình kỹ thuật. Nhiều ý kiến cũng lo ngại, việc chia nhỏ diện tích căn hộ có thể phá vỡ quy hoạch, gia tăng dân số và gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, số lượng dự án điều chỉnh rất thấp, chỉ chiếm 2% tổng dự án để đảm bảo giải quyết tình thế hiện nay, nên sẽ không mấy ảnh hưởng đến quy hoạch và hạ tầng kỹ thuật. Chính quyền các địa phương cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đẩy nhanh các thủ tục chuyển đổi và hạ tầng kỹ thuật một phần hoặc toàn bộ dự án.
Khôi phục lòng tin thị trường
Trước thực tế khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Mặc dù còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn, dự án dở dang nhiều… nhưng Bộ Xây dựng đang từng bước điều chỉnh để rút ngăn lệch pha cung cầu, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại dự án, tạo mọi điều kiện để dự án nhà ở xã hội triển khai và rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục chuyển đổi. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là dành cho người thu nhập thấp, doanh nghiệp có vay nhiều cũng không quá 30%. Nhiệm vụ số một hiện nay là phải tạo ra nguồn cung nhà ở xã hội nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại Kỳ họp lần thứ XI của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) tổ chức cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là một mô hình mới, lần đầu tiên thực hiện nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, bước đầu chương trình đã đem lại những tín hiệu tích cực, một số phân khúc thị trường đã ấm dần lên, lòng tin thị trường bắt đầu quay trở lại. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành cần tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, công khai thông tin các dự án để người dân được biết.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi dự án, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, đa số dự án nhà ở thương mại phân khúc thấp mới chuyển sang nhà ở xã hội nên số lượng sẽ không lớn, vì những nhà giá cao không thể chuyển đổi được. Cùng với việc chuyển đổi còn rất nhiều vấn đề khó khăn khác như vốn, tín dụng, thuế… nên không phải dự án nào cũng chuyển đổi được. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tạo nguồn cung nhà ở xã hội cho thị trường.