Tại buổi làm việc mới đây với Q10, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã chỉ đạo cần sớm xử lý các lô chung cư đang có nguy cơ bị sập vì tính mạng và tài sản của người dân là quan trọng nhất. Thế nhưng trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo Q10 “than” rằng chương trình trên sẽ còn chậm hơn hiện nay do một bản án đã có hiệu lực pháp luật…
Thực trạng báo động
Hầu hết 45 lô nhà thuộc các chung cư (CC) Nguyễn Kim, Ngô Gia Tự, Lý Thường Kiệt, Ấn Quang… đều xuống cấp nghiêm trọng với chất lượng trên dưới 50%. Các CC này được xây dựng vào thập niên 60-70 của thế kỷ trước với vật liệu cột dầm thép, sàn bê tông, trần ván ép, phía trên lợp tole. Trong số này, 31 lô đã đứng trước nguy cơ sụp đổ và 7 lô CC có thể sụp bất cứ lúc nào…
Để có căn cứ thực tế, chúng tôi chọn khảo sát của Công ty Kiểm định-Xây dựng Sài Gòn tại lô K (CC Nguyễn Kim) thì thấy 65% nền nhà ở lô K bị rạn nứt; hành lang và cầu thang bị bong dập và nứt toác, tỷ lệ hư hỏng tới 75%; 100% xà gồ thép (trần) bị gỉ sét và trần CC bị thấm, mục rỗng, bể với tỷ lệ 70%. Điều đáng quan ngại ở chỗ kết cấu chịu lực của các CC chính là khung cột, dầm thép ở các tầng và sàn bê tông. Kiểm định chất lượng tại lô K cho thấy 58/146 cột (tầng trệt), 37/144 cột (tầng 1), 38/150 (tầng 2), 21/150 cột (tầng 3) bị hư hỏng nặng. Về các dầm thép, có 119/355 dầm (tầng 1), 51/342 dầm (tầng 2), 47/326 dầm (tầng 3), 108/318 dầm (mái) bị gỉ sét, hư hỏng nặng. Riêng sàn bê tông, hầu hết các ô sàn bêtông của lô K đều bị hư hỏng từ 60,5%-87,2%.
Trước tình hình đó, tháng 5-2004, UBND TPHCM có công văn 2937 “Về chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư khi di dời các hộ dân đang cư ngụ trong các CC có nguy cơ sụp đổ” và yêu cầu Q10 khẩn trương lập phương án đền bù để bảo đảm tính mạng người dân theo hướng hoán đổi một căn hộ CC khác hoặc hỗ trợ (một lần) bằng tiền về giá trị đất và nhà (theo tỷ lệ hư hỏng). Trong quá trình tháo dỡ lô E (CC Ngô Gia Tự) theo sự chấp thuận của UBND TPHCM, có 4 hộ dân đã… khởi kiện UBND Q10 ra tòa đòi rất nhiều quyền lợi, trong đó có phần đòi nâng chất lượng CC (để được tính giá bồi thường) lên 100%, trong khi chất lượng thật của CC chỉ còn 48,19%. Tại Tòa án Nhân dân TPHCM, phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã bác hầu hết các yêu cầu không chính đáng của nguyên đơn (1 trong 4 hộ ở lô E, CC Ngô Gia Tự, đã nhận tiền đền bù trên 690 triệu đồng và đồng ý tự lo nơi ở mới). Tuy nhiên, không như phương án đền bù theo tỷ lệ hư hỏng của UBND Q10 và TPHCM, Tòa án Nhân dân TPHCM đã cho rằng các cấp chính quyền đã làm sai với quy định (tại khoản 1, Điều 19, NĐ 197/2004/NĐ-CP).
Ai sai?
Xin khẳng định rằng một khi án phúc thẩm đã tuyên, thì bản án đã có hiệu lực pháp luật. Và những quyết định tại phiên tòa phúc thẩm là đều căn cứ theo các điều khoản quy định của pháp luật. Bên cạnh đó UBND TPHCM cũng đã không sai khi xuất phát từ mục đích cấp thiết phải di dời nhanh người dân ra khỏi vùng nguy hiểm (chứ không phải thu hồi đất) nên ban hành công văn 2937. Và UBND Q10 càng không sai khi áp dụng các chỉ đạo, mệnh lệnh từ cấp trên… Vậy ai sai trong trường hợp này?
Trong công văn khẩn trình UBND TPHCM, lãnh đạo Q10 cho biết: “Nếu chiếu theo NĐ 197 của Chính phủ thì số tiền bồi thường (bổ sung) cho các lô CC vừa di dời (từ 48,19% lên 100%) là trên 2,7 tỷ đồng. Ở đây cần phân biệt rõ chuyện “bồi thường khi thu hồi đất” với “bồi thường khi di dời khỏi các CC sắp sập” để tính giá trị đền bù cho người dân. Chưa kể rằng điều này sẽ gây “tâm lý dây chuyền”, gây khiếu kiện tập thể và nhất là làm chậm lại chương trình tháo dỡ hàng loạt CC có nguy cơ sập trên địa bàn. Mà nếu nguy hiểm xảy ra, người dân ở các CC và chính quyền địa phương lại là người gánh chịu trước!
Dương Minh Anh
(Theo SGGP)
- Nghị định của Chính phủ “Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” (Điều 19, khoản 1): Đối với nhà ở… được bồi thường bằng giá trị xây mới.
- Công văn 2937 của UBND TPHCM “Về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư các hộ dân đang cư ngụ trong các CC hư hỏng có nguy cơ sập”: Hỗ trợ bằng tiền về giá trị nhà đất tính theo chất lượng còn lại do đơn vị có chức năng xác định.