Sau gần 10 tháng thành lập thí điểm lực lượng Thanh tra xây dựng (TTXD) quận-huyện, phường-xã, thị trấn, bộ máy này tại TPHCM hiện vẫn chưa thể “chạy” một cách trơn tru. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nhân sự và những quy định về xử phạt không rõ ràng do chưa có hướng dẫn của các cơ quan thẩm quyền.
Bổ nhiệm thanh tra viên trước, bổ sung bằng cấp sau
Hiện có khá nhiều vướng mắc nhưng nhân sự vẫn là vấn đề “đau đầu” nhất đối với hoạt động TTXD. Theo quy định của TP, khung biên chế TTXD quận-huyện có từ 15-20 người, TTXD phường-xã thì khoảng 3-4 người; do đó các quận-huyện than như bọng vì lực lượng “mỏng” không kham nổi công việc, nhất là các quận ven có “điểm nóng” về xây dựng trái phép như Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức...
Nếu so sánh với nhân sự của đội, tổ quản lý trật tự đô thị trước đây thì số nhân sự TTXD giảm hơn một nửa, có quận giảm đến 2/3. Quận 1 từ 233 người còn 40 người, quận 6 từ 132 người còn 52 người, quận Tân Phú 120 người còn 43 người, Thủ Đức 112 còn 51 người, Bình Tân 171 người còn 45 người, huyện Bình Chánh 187 người còn 84 người…
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chánh TTXD quận Bình Tân cho rằng, lực lượng TTXD tại địa phương không thể “phủ kín” địa bàn, trong khi TTXD còn được phân thêm nhiều đầu việc nữa so với đội, tổ quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) như: quản lý vệ sinh môi trường, trật tự lòng lề đường; xử lý vi phạm về sử dụng đất, lấn chiếm kênh rạch…
Theo ông Khoa, hiện thanh tra viên (TTV) xây dựng vẫn chưa đủ vì theo quy định, TTV cấp quận phải có bằng đại học các chuyên ngành như luật, xây dựng, quy hoạch kiến trúc, kinh tế hoặc đất đai; cấp phường phải có bằng trung học chuyên nghiệp các ngành tương tự. Mà để tham gia các lớp đào tạo TTV phải ra tận Hà Nội học.
Một lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết, với trình độ anh em trong đội, tổ QLĐT trước đây, đa số trình độ văn hóa chỉ tới lớp 10, lớp 11 làm sao đủ điều kiện làm TTV? Hiện nay một số anh em trong lực lượng TTXD được cử tham gia các lớp học trung cấp xây dựng nhưng cũng phải có thời gian mới bổ sung được TTV. Do đó, có một số trường hợp huyện phải bổ nhiệm TTV rồi mới... bổ sung bằng sau.
Sau khi thành lập lực lượng TTXD, một số nhân viên của đội, tổ QLĐT trước đây được chuyển sang làm cộng tác viên TTXD. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Lê Minh Huệ cho rằng, mức lương khoảng 1,2 triệu đồng/tháng (kể cả công tác phí) nhưng phải sử dụng phương tiện cá nhân để đi tuần tra địa bàn nên đời sống cộng tác viên TTXD không đảm bảo.
Bà Hồ Thị Kim Loan, Chánh TTXD Sở Xây dựng cho biết, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBNDTP ngoài mức lương, cộng tác viên TTXD sẽ được hưởng các chính sách khác như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Ngoài ra, địa phương có thể trích từ nguồn kinh phí 100% phí xử phạt hành chính theo quy định cho TTXD để trả tiền ngoài giờ, làm ngày thứ bảy, chủ nhật… Thế nhưng, các quận-huyện cho rằng, mặc dù theo quy định, TTXD được trích giữ lại 100% phí xử phạt vi phạm hành chính nhưng cho đến nay Sở Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể… nên mức phí thu từ việc xử phạt hành chính đều phải nộp hết vào ngân sách.
Chưa dám phạt
Thẩm quyền xử phạt của TTXD hiện nay vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Theo QĐ 89 của Chính phủ và QĐ 133 của UBNDTP về thành lập TTXD, TTXD quận-huyện, chánh TTXD quận-huyện được xử phạt tương đương với trưởng công an huyện với mức phạt tối đa là 10 triệu đồng. Thế nhưng trên thực tế phải căn cứ vào Nghị định 126/CP để ban hành quyết định xử phạt. Tuy nhiên, NĐ 126/CP lại không quy định thẩm quyền xử phạt của chánh TTXD cấp huyện nên chưa có chánh TTXD nào dám ký quyết định xử phạt.
Vướng mắc này đã được đề cập trong nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này, và mặc dù đại diện Sở Tư pháp TP cho rằng, vì đây là mô hình thí điểm nên cứ thực hiện, nhưng đến nay các chánh TTXD vẫn chưa dám ký bất cứ một văn bản xử phạt nào. “Không thể nói chúng tôi nhát tay được vì nếu ký quyết định phạt mà không có căn cứ nào thì sau này có xảy ra kiện tụng, chánh TTXD sẽ “ôm xô”, một Chánh TTXD quận cho nói.
Trả lời về vấn đề này, bà Loan cho biết, TP đã kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể hoặc Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ bổ sung vào NĐ 126/CP thẩm quyền xử phạt của chánh TTXD, thế nhưng Bộ Xây dựng vẫn chưa trả lời. Do đó, trước mắt, bà Loan đề nghị chánh TTXD cứ ban hành các quyết định xử phạt rồi… trình chủ tịch UBND quận-huyện ký (như trước đây).
Tháo dỡ nhà có cần thuê tư vấn?
Thanh tra xây dựng địa phương thiếu nên tình
trạng xây dựng trái phép vẫn còn phổ biến
Theo Sài Gòn Giải Phóng