Lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay thường để lọt hầu hết các vụ việc nghiêm trọng
Đó là nhận định của TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Trước đó, phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp để hoàn thiện pháp luật về đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, ông Liêm đề xuất bỏ hẳn biên chế đội ngũ thanh tra xây dựng (TTXD) hiện nay để hướng đến sử dụng dịch vụ TTXD.
Sử dụng dịch vụ thay thế biên chế
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Phạm Sỹ Liêm chỉ ra một thực tế hiện nay là công tác TTXD bộc lộ nhiều hạn chế. Phần lớn những sai phạm về giấy phép xây dựng (GPXD), trật tự xây dựng là do báo chí phản ánh rồi ngành xây dựng mới vào cuộc. Lúc phát hiện rồi thì việc xử lý cũng "nhùng nhằng", không quyết liệt, điển hình như vụ tòa nhà 8B Lê Trực, một số dự án Mường Thanh. "Lực lượng TTXD hiện nay không rõ chọn điểm thanh tra như thế nào mà lại để lọt hầu hết các vụ việc nghiêm trọng" - ông Liêm lo ngại.
Theo ông Liêm, TTXD cũng không tránh được "xu hướng" hiện nay của một số cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ thanh tra nói chung, là tranh thủ "kiếm thêm" từ công việc của mình. Nguyên nhân thường được đưa ra là lương thấp, đãi ngộ còn hạn chế.
Ông Liêm cho rằng đội ngũ TTXD đã không phát huy được vai trò, lại còn bị phản ánh gây nhũng nhiễu, thì nên xem xét phương án giảm bớt hoặc bỏ hẳn. "Công việc chính của TTXD chỉ là đi nghiệm thu công trình xây dựng và quá trình thực hiện có đúng với GPXD không. Vậy thì theo kinh nghiệm thế giới, đội ngũ này không cần thiết phải nằm trong biên chế. Ví dụ, Mỹ sử dụng dịch vụ TTXD chứ không có đội ngũ thanh tra của chính quyền" - ông Liêm dẫn chứng.
Nêu cụ thể về mô hình này, ông Liêm cho biết mỗi khi cấp GPXD sẽ thu thêm một khoản phí để chi trả cho hoạt động thanh tra tư nhân. Các công ty, đơn vị cung cấp dịch vụ thanh tra có thể cạnh tranh với nhau để có đơn hàng và buộc phải làm tốt. Ở Việt Nam, hoàn toàn có thể áp dụng theo mô hình này nhưng sẽ điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội nước ta.
"Khi bỏ hẳn TTXD, có thể xem xét sắp xếp vào vị trí khác thích hợp hơn nhưng phải bảo đảm không làm phình to bộ máy, không gây dư thừa ở những vị trí không cần thiết. Phần còn lại, có thể hỗ trợ thất nghiệp theo đúng quy định. Sau đó, hướng đội ngũ này chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp tư nhân tư vấn liên quan đến xây dựng, nhận các đơn hàng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra" - ông Liêm đề xuất.
Theo ông Liêm, với cách thức trên, nhà nước sẽ giảm được biên chế. Đội ngũ này làm dịch vụ, thu nhập được cải thiện thì sẽ bớt "nhu cầu" nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân. Đặc biệt, làm dịch vụ sẽ bị giám sát bởi đơn vị thuê, nếu bị tố gây phiền hà, tiêu cực thì doanh nghiệp không thuê nữa. Vì vậy, hiệu quả thanh tra sẽ tốt, minh bạch hơn.
Huyện Bình Chánh, TP HCM có lực lượng thanh tra xây dựng nhiều nhưng nhà sai phép, không phép vẫn tràn lan Ảnh: LÊ PHONG |
Ủng hộ thay đổi nhưng cần lộ trình
Ủng hộ việc chuyển sang thuê dịch vụ TTXD, ông Nguyễn Văn Hữu, phó giám đốc một công ty xây dựng tại TP Cần Thơ, phân tích: Dịch vụ TTXD đã được nhà nước cấp phép, nếu làm sai thì sẽ bị xử lý nên không chỉ hoạt động có hiệu quả mà còn không dám "làm bậy" vì không có ai "chống đỡ". Đơn cử, các phòng công chứng được nhà nước cấp phép hiện hoạt động rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Vũ Hiếu, kỹ sư xây dựng ở TP Đà Nẵng, cho rằng thời gian qua, TTXD mang "tai tiếng" nhiều, hoạt động không hiệu quả, không chú trọng ngăn chặn sai phạm trong xây dựng mà chủ yếu là xử lý vi phạm để hợp thức vi phạm. "Việc đề xuất bỏ lực lượng TTXD là hợp lý. Tuy nhiên, nếu cho phép thuê dịch vụ TTXD, liệu có ngăn chặn được tình trạng một số quan chức dùng sân sau để mở dịch vụ không? Xóa bỏ TTXD là cần thiết nhưng để có biện pháp thay thế thì cần có lộ trình" - ông Hiếu bày tỏ.