Lãnh đạo Phú Quốc, Kiên Giang cho biết sẽ tiếp thu kết luận thanh tra, sai sẽ sửa. Chuyên gia nhấn mạnh phải quyết liệt, nghiêm khắc.
Ngày 11/4, ông Lê Hồng Lĩnh - Chánh văn phòng, người Phát ngôn của Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này vừa bổ sung nội thanh tra việc quản lý đất nông nghiệp ở Phú Quốc vào quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường tại tỉnh Kiên Giang (giai đoạn 2011-2017) mới công bố trước đó mấy ngày.
Thanh tra Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Phú Quốc
|
Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp; việc giải quyết tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất nông nghiệp được tách... đang diễn ra trên địa bàn Phú Quốc.
Nói về việc này, ông Đinh Khoa Toàn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch. Địa phương đã có chuẩn bị để tiếp đón và phối hợp với đoàn thanh tra.
"Trách nhiệm của địa phương là phải phối hợp với cơ quan thanh tra và chúng tôi cũng không lo lắng gì", ông Toàn chia sẻ.
Về phía UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với tỉnh Kiên Giang lần này là thực hiện theo nhiệm vụ thanh tra định kỳ, chứ không phải phát hiện dấu hiệu sai phạm nên mới thanh tra.
"Theo kế hoạch, mỗi năm sẽ thực hiện thanh tra mấy địa phương, năm nay thanh tra ở Kiên Giang thì sang năm sẽ thanh tra địa phương khác", ông Hồng cho biết.
Trên tinh thần cầu thị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá cao lần thanh tra này. Theo ông Hồng đây là dịp tốt để đánh giá lại toàn diện những việc đã làm được và chưa được tại Kiên Giang. Trên cơ sở đó, nếu có phát hiện sai sót hoặc có những chính sách chưa phù hợp, tỉnh sẽ tiếp thu, chấn chỉnh, khắc phục, còn nếu đã làm tốt thì tiếp tục phát huy.
Điều kiện cho đặc khu phát triển
Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong ba địa phương được chọn để xây dựng mô hình đặc khu kinh tế đầu tiên của cả nước.
Dự kiến vào kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến và xem xét thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Luật thông qua sẽ tạo tiền đề cho việc thành lập các đặc khu trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, ông Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, việc thanh tra Phú Quốc, Kiên Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một đặc khu phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Có thể nói, những vấn đề nóng về sai phạm trong công tác quản lý tại Phú Quốc, Kiên Giang thời gian qua đã gây chú ý. Ông Hải nhận định, trên một địa phương để xảy ra những sai sót, bê bối như vậy là có vấn đề về mặt con người quản lý.
Thể hiện rõ nhất là trong ban lãnh đạo huyện ủy Phú Quốc. Nhiều cán bộ, lãnh đạo cấp cao của địa phương này đã phải nhận các hình thức kỷ luật khác nhau do buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm.
Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, tiến hành thanh tra cả Phú Quốc và Kiên Giang sẽ giúp chỉ ra được nguyên nhân dẫn tới những sai sót, tiêu cực trong công tác điều hành quản lý tại địa phương này. Từ chỗ chỉ ra được nguyên nhân sẽ tìm ra được giải pháp để xử lý, khắc phục.
"Yếu tố sống còn của một đặc khu là "con người". Mọi điều kiện đã sẵn sàng nhưng nhân sự yếu kém thì cũng không thể giúp đặc khu phát triển.
Do đó, thanh là cần thiết nhưng quan trọng hơn vẫn là giải pháp xử lý phải quyết liệt, triệt để. Tôi lấy ví dụ, nếu lãnh đạo làm sai phải kỷ luật; lãnh đạo làm không tốt, không có đủ trình độ, năng lực, không đảm đương được nhiệm vụ phải từ chức", ông Hải chỉ rõ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt