“Những vi phạm đã dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi cho chủ đầu tư, gây thất thu ngân sách nhà nước”, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Dự án Park City (quận Hà Đông, Hà Nội) quy mô hơn 77 ha nhưng được “miễn” quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội.
|
Hàng loạt sai phạm trong quỹ đất 20%
Chiều nay (15/11), tại trụ sở UBND TP Hà Nội , Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà ở để lại từ các dự án đầu tư phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo Quyết định số 123 ngày 6/12/2001 của TP Hà Nội.
Theo kết luận thanh tra, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế, bất cập như chất lượng quy hoạch yếu, các bước quy hoạch chưa phù hợp với một số chỉ tiêu, phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhiều lần, dẫn đến thay đổi về tầng cao, hệ số sử dụng đất, một số xây dựng…. mang tính tự phát, thiếu căn cứ khoa học cũng như thực tiễn.
Phó Cục Trưởng Cục giải quyết Khiếu nại tố cáo và Thanh tra khu vực I (Cục I )-Thanh tra Chính phủ, ông Trần Hữu Lợi cho rằng, tình trạng này là hệ lụy khó xử lý tính tương quan giữa dân cư với hạ tầng và môi trường.
Tùy tiện duyệt Quy hoạch, tạo cơ chế xin - cho
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt (số tầng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, nâng chiều cao tầng nhà….).
Theo Thanh tra Chính phủ, tình trạng tùy tiện đó tạo ra cơ chế xin – cho, ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước.
“Những vi phạm này đã dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi vì không phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do những điều chỉnh quy hoạch có lợi cho chủ đầu tư, gây thất thu ngân sách nhà nước”, kết luận chỉ rõ.
Bên cạnh đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nói rõ công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng không được chú trọng, việc thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch.
Điều đáng nói, cơ quan thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm, để làm lợi cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến cộng đồng. Thậm chí dẫn đến thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Quyết định số 123 ngày 6/12/2001 của TP Hà Nội quy định đối với dự án kinh doanh hạ tầng, xây dựng nhà ở để bán, chủ đầu tư phải giành 20% quỹ đất ở (hoặc 30% quỹ nhà) để bổ sung vào quỹ nhà ở thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong