Phó giám đốc Sở Qui hoạch - kiến trúc Hà Nội Đỗ Viết Chiến (ảnh) đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với báo giới xung quanh dự án “thành phố sông Hồng”. Một trong những vấn đề được người dân Hà Nội quan tâm nhiều nhất là công tác tái định cư, di dân sẽ được tổ chức ra sao. Ông Đỗ Viết Chiến cho biết:
- Nếu đòi hỏi phải có đủ quĩ nhà để di dời một lúc 170.000 dân chắc chắn sẽ không thể thực hiện được. Do vậy việc di dời sẽ chia làm ba giai đoạn. Mỗi giai đoạn chọn ra địa điểm thuận lợi để xây dựng quĩ nhà tái định cư trước, sau đó đưa dân lên tái định cư. Vấn đề tái định cư sẽ tổ chức theo hình thức cuốn chiếu. Trước mắt các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân về bồi thường, tái định cư sẽ được lấy ý kiến để tìm ra giải pháp tốt nhất khi thực hiện.
* Tại một cuộc hội thảo mới đây về dự án này, vấn đề về số lượng dân di dời vẫn chưa được ngã ngũ. Trong khi chưa thống nhất được số dân phải di dời, tại sao đã đưa ra lấy ý kiến?
- Hiện nay, số lượng 170.000 dân này đang trong trạng thái không ổn định về cuộc sống. Thứ nhất, số dân ngoài bãi (sông Hồng) nằm trong hành lang thoát lũ. Mục tiêu của dự án đặt ra là phải thoát lũ tốt hơn, chứ không phải qui hoạch xong lại thoát lũ xấu đi. Thứ hai, đê điều sau khi thực hiện dự án phải ổn định hơn, chắc chắn hơn thì mới đặt ra vấn đề điều chỉnh đê. Thứ ba, phải ổn định được 170.000 dân đang sống ở khu vực ngoài bãi - khu vực lâu nay không có cấp đất, cấp phép, không có cải tạo xây dựng vì qui hoạch xây dựng không được duyệt.
Người dân Hà Nội tham quan
và đóng góp ý kiến về qui
hoạch cơ bản phát triển sông
Hồng đoạn qua thủ đô.
* Các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng sẽ phải di dời toàn bộ 170.000 dân ngoài đê (hiện nay), quan điểm của sở lại khẳng định chỉ nên di dời số dân khu vực ngoài đê mới (sau khi sông Hồng đã được chỉnh trị), khoảng 100.000 dân. Vậy chính xác sẽ phải di dời bao nhiêu dân, thưa ông?
- Vấn đề quan trọng nhất là phải xác định việc ổn định cho số hộ dân ở đây bằng cách nào. Vấn đề này phải nhờ vào việc qui hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đang lấy ý kiến, trong đó có việc chỉnh trị lại tuyến thoát lũ và điều chỉnh một số khu vực đê điều. Quan điểm đặt ra là những hộ dân sau khi điều chỉnh xong vẫn nằm khu vực ngoài đê chắc chắn sẽ phải bố trí di dời tái định cư hết, chứ không phải chỉnh trị xong vẫn để người dân ở ngoài bãi. Còn những khu vực sau khi chỉnh trị, nằm phía trong hành lang đê mới thì nên để lại.
Không nhất thiết cứ phải di dời hết 170.000 hộ dân để đưa lên các công trình cao tầng. Số lượng ít hay nhiều còn phụ thuộc vào dòng chảy và điều này không thể theo ý muốn chủ quan. Vấn đề này chúng tôi đang làm việc với phía Hàn Quốc để hạn chế tối đa việc sắp xếp lại những trường hợp dân nằm trong hành lang đê mới.
* Có ý kiến cho rằng thông tin về dự án còn quá ít để người dân, chuyên gia có thể góp ý và không biết những thông tin phản hồi sẽ được tiếp thu, xử lý ra sao?
- Nếu dự án này may mắn kết thúc được báo cáo cuối cùng vào tháng 11 - 2007, thì sau tháng 11 là giai đoạn thẩm định trình phê duyệt. Thời gian thẩm định và trình phê duyệt cũng phải gần một năm (hết năm 2008). TP đã đồng ý tìm một địa điểm phù hợp giao thông, thuận tiện cho người dân tiếp cận để bố trí phòng tuyên truyền cho dự án này. Đây là thời điểm tiếp tục lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia. Đối với các dự án khác chỉ lấy ý kiến một lần nhưng dự án này sẽ tiến hành lấy ý kiến cho đến lúc thực hiện.
Hết đợt lấy ý kiến lần này sẽ có một báo cáo tổng hợp các nhóm ý kiến của nhân dân để báo cáo UBND TP. Khi nào có cơ sở tương đối rõ ràng, lúc đó mới đề nghị UBND TP đưa ra tại cuộc hội thảo cấp TP. Nếu ý kiến đồng thuận cao, có thể sẽ sớm hoàn thiện báo cáo để trình phê duyệt. Trong trường hợp chưa có được sự đồng thuận sẽ tiếp tục chỉnh sửa và tiếp tục lấy ý kiến.
* Mặc dù mới trong giai đoạn lấy ý kiến nhưng theo kế hoạch việc thực hiện di dời dân sẽ bắt đầu từ năm 2008. Giai đoạn 1 (2008-2012) di dời hơn 11.000 hộ dân. Từ nay đến lúc đó chỉ còn ba tháng là rất khó thực hiện?- Để chuẩn bị được một dự án như thế phải có quĩ đất, thời gian chuẩn bị di dời cũng không phải ngắn. Nhưng nếu không đưa ra được lộ trình như thế, khi lấy ý kiến người dân sẽ không nắm được giai đoạn và ngưỡng để góp ý. Rất có thể sau khi lấy ý kiến sẽ có những ý kiến đóng góp về lộ trình như thế là chưa được. Cần phải kéo dài thêm nữa trước khi thực hiện. Nhưng quan trọng hơn cả là phụ thuộc vào việc qui hoạch có được duyệt hay không. Nếu qui hoạch này không được duyệt thì cũng sẽ không có bất kỳ một dự án nào cả.
* Ý kiến một số chuyên gia cho rằng: qui hoạch phải có tính dài hơi. Nếu dự án thành phố hai bên bờ sông Hồng lấy mốc năm 2020 hoàn thành là điều khó tưởng. Quan điểm của ông ra sao?
- Tôi cũng đồng ý với nhận định như vậy. Theo tôi, đây là ngưỡng giai đoạn để phấn đấu chứ không phải chốt cứng buộc phải hoàn thành.
* Xin cảm ơn ông.
Theo Tuổi Trẻ