Thanh Hóa: Cấp lại sổ đỏ, bỗng dưng mất đất

Cập nhật 04/11/2018 09:23

Được thông báo thu hồi sổ đỏ cũ để cấp đổi sổ mới, hơn chục hộ dân bản Chim, xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) té ngửa bị hụt diện tích ban đầu, có nhà mất trắng.

Từ 8,1ha đo đạc lại không còn tấc đất nào?

Theo phản ánh của 12 hộ dân bản Chim, năm 2017, huyện, xã triển khai đo đạc cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Khoảng tháng 4/2018, xã Nhi Sơn thông báo phát bìa đỏ mới thì người dân phát hiện nhiều diện tích đất bị hao hụt từ 50 đến 70%, có nhà mất trắng.

Ông Súa chỉ về diện tích đất nhà mình đã bị hao hụt

Ông Sung Văn Súa (54 tuổi, bản Chim) kể, từ thời cha mẹ ông đã sống và canh tác trên mảnh đất này. Cho đến năm 2001, nhà nước giao hơn 7ha đất rừng sản xuất (đất 02) cho nhà ông.

Năm 2017, chính quyền đo đạc lại, đất nhà ông chỉ còn lại hơn 1ha.

Khu vực đất đang canh tác của các hộ thuộc đất rừng phòng hộ

“Nông dân chúng tôi không có thu nhập, thiếu thốn về vật chất, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Giờ không còn đất, chúng tôi biết làm gì để sống”, ông Súa bức xúc.

Tương tự, nhà ông Sung Văn Di, diện tích ban đầu hơn 5ha, nhưng đến khi đo đạc lại chỉ còn chưa đầy 2ha…

Điều đáng nói là nhà ông Sung Chia Gia có tổng diện tích 8,1ha và nhà ông Sung Chống Di 5,2ha, sau khi đo đạc lại không còn tấc đất nào. Lý do, nằm trong đất rừng phòng hộ.

“Đất của chúng tôi đã được cấp sổ đỏ từ năm 2001. Đang yên ổn canh tác làm ăn sinh sống, nay lại nói là đất rừng phòng hộ coi sao được”, ông Gia nói.

"Xã, huyện giải thích rồi mà dân vẫn khiếu nại"

Trao đổi với VietNamNet ngày 23/10, cán bộ địa chính xã Nhi Sơn Thao Dị Lênh cho biết, khiếu nại của 12 hộ dân đã được chính quyền xã, huyện giải thích, nhưng những hộ này không nghe. Họ gửi rất nhiều đơn để đòi lại đất vì cho rằng xã, huyện cố tình chiếm đoạt đất của dân.

Diện tích đất trước đó của các hộ dân được cấp rừng sản xuất

Theo ông Lênh, sở dĩ có việc trên là do trước đây trong quá trình giao đất, đơn vị chuyên môn sử dụng thước dây và bản đồ cầm tay nên độ chính xác không cao. Chính vì vậy có sự chồng lấn giữa đất sản xuất với đất rừng phòng hộ.

“Năm 2016, thực hiện việc rà soát lại đất đai theo công văn của UBND tỉnh, các phòng chức năng đã đo lại bằng máy móc và định vị thì phát hiện 45ha của 12 hộ nói trên nằm trong diện tích rừng phòng hộ nên bị thu hồi.

Một số hộ dân mất hết đất thì chúng tôi không thể cấp sổ đỏ. Những hộ còn lại không nằm trong đất rừng phòng hộ đã được UBND huyện cấp sổ đỏ, tuy nhiên người dân không nhận”, ông Lênh cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Cao Văn Cường cũng thông tin, thực hiện việc phê duyệt kế hoạch đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh, huyện đã phối hợp với Sở TN&MT tiến hành rà soát, đo đạc và cấp lại diện tích đất rừng sản xuất.

12 hộ dân bản Chim nằm trong đất rừng phòng hộ, do trước đây đo đạc chồng lấn. Vì vậy huyện, Sở chưa có cơ sở để giao cho các hộ gia đình theo quyết định sử dụng đất rừng của UBND tỉnh.

Cán bộ địa chính xã Nhi Sơn mở bản đồ vệ tinh chứng minh đất của các hộ dân thuộc đất rừng phòng hộ

“Việc bà con đã canh tác nông nghiệp trước đó, nay bà con vẫn làm bình thường. Không ai cấm người dân canh tác cả. Chỉ có điều theo quy định đất rừng phòng hộ, thời điểm này chưa có cơ sở để cấp sổ đỏ được”, ông Cường nói rõ.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet