Thang máy vào 6 ra 3, dân chung cư cao cấp ‘ngã ngửa’ nhận nhà

Cập nhật 22/11/2018 08:41

Cư dân dự án Lạc Hồng Lotus – N01T5 tại Khu Ngoại giao đoàn (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) “tố” chủ đầu tư tự ý, điều chỉnh, cắt bớt hạng mục đầu tư xây dựng, không thông báo đến khách hàng theo như hợp đồng.

Thang máy vào 6 ra 3

Dự án Tổ hợp nhà ở chung cư cao tầng Lạc Hồng Lotus – N01T5 tại Khu Ngoại giao đoàn do Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) làm chủ đầu tư. Dự án được thiết kế với quy mô 3 tầng hầm và 35 tầng nổi (không bao gồm tầng dịch vụ kỹ thuật).

Theo hợp đồng mua bán ký kết giữa chủ đầu tư và khách hàng thời gian bàn giao căn hộ dự án vào tháng 3/2018. Việc bàn giao này có thể sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian trên không được muộn quá 90 ngày (tức không muộn quá tháng 6/2018). Tuy nhiên phải đến tháng 9/2018, khách hàng mới nhận được thông báo về việc bàn giao căn hộ.

Điều đáng nói, không chỉ chậm tiến độ bàn giao nhiều cư dân khi đến dự án mới “ngã ngửa” khi thang máy chung cư bị điều chỉnh. 

Mặt bằng điển hình tầng 6-32 dự án Lạc Hồng Lotus trong hợp đồng mua bán (Phần khoanh tròn là sảnh thang máy, 6 cửa thang).

Theo phản ánh của khách hàng, tại phụ lục 1 mục 8 hạng mục thang máy trong hợp đồng ghi rõ: Gói hoàn thiện đầy đủ 5 thang khách, 1 thang hàng Mitsubishi. Nội thất thang máy được trang bị, thiết kế hiện đại, theo tiêu chuẩn dành cho cao ốc, khách sạn cao cấp. Bản vẽ thiết kế mặt bằng điển hình tầng 6 đến 32 được các cơ quan chức năng đã phê duyệt mỗi tầng có đủ 5 thang khách và 1 thang hàng. Tuy nhiên, khi khách hàng tới dự án chuẩn bị nhận bàn giao căn hộ hạng mục thang máy lại không như hợp đồng đã ký kết.

Khách hàng cho biết, hiện trạng tại dự án từ tầng 6 – 23 thì cứ 3 tầng mới có 1 tầng có đủ 6 cửa ra thang máy còn các tầng còn lại chỉ có 4 cửa, các căn hộ từ tầng 23 – 35 chỉ có 3 (2 cửa ra thang khách và 1 cửa ra thang hàng).

Ghi nhận của PV VietNamNet, tại sảnh thang máy tầng 1 có 6 cửa thang máy đều hoạt động. Lên đến tầng 6, quan sát khu vực sảnh thang máy, chỉ có 4 cửa thang (đánh số 1,2,3,4) còn lại cửa thang số 5,6 đã xây bê tông bịt kín. Tương tự tại tầng 30 chỉ có 3 cửa thang (đánh số 4,5,6) phía còn lại đã được xây tường bịt kín.

Hay tại tầng 17 có đủ 6 cửa thang máy tuy nhiên chỉ có 4 cửa thang có phím bấm hoạt động (đánh số 1,2,3; thang 4 là thang hàng) các cửa thang (đánh số 5,6) có cửa thang nhưng không có phím bấm.

Lên tầng 21 cũng có đủ 6 cửa thang và phím bấm. Nhưng các cửa thang máy không hoạt động đồng thời mà chia làm 2 cụm (cụm cửa thang 1,2,3 hoặc cụm cửa thang 4,5,6).

Sảnh thang máy tầng 22 chỉ có 3 cửa thang (đánh số 4,5,6) phía còn lại đã được xây tường bịt kín.

Một khách hàng bức xúc: “Không chỉ bàn giao chậm tiến độ Công ty Lạc Hồng còn tự ý thay đổi, điều chỉnh, cắt bớt hạng mục đầu tư xây dựng mà không thông báo hay có thoả thuận với khách hang. Tháng 7 lên dự án vẫn đủ 6 cửa thang tại tất cả các tầng nhưng đến gần thời điểm nhận nhà chúng tôi mới ngã ngửa về sự thay đổi này mà không nhận được thông báo nào từ chủ đầu tư”.

“Sự thay đổi này là hành vi vi phạm nghiêm trọng đối với thiết kế và hạng mục thi công xây dựng so với hợp đồng và vi phạm so với bản vẽ đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt tại thời điểm chúng tôi ký hợp đồng” – khách hàng nêu ý kiến.

Khách hàng “tố” vi phạm hợp đồng, bị “móc túi” hàng tỷ đồng

Trước thực trạng trên nhiều cư dân đã có đơn kiến nghị tới chủ đầu tư đề nghị làm rõ. Tháng 9/2018, chủ đầu tư đã có văn bản trả lời gửi khách hàng. Không đồng ý với phần trả lời của chủ đầu tư, tháng 10 vừa qua, khách hàng tại dự án đã yêu Công ty Lạc Hồng có buổi trao đổi trực tiếp.

Tại buổi trao đổi, ông Nguyễn Duy Đôn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Lạc Hồng khẳng định: Theo hợp đồng là 6 thang máy công ty vẫn làm đủ 6 thang máy có điều là chúng tôi thực hiện phân luồng.

Theo ông Đôn, việc phân luồng là tính toán đảm bảo vận chuyển. Trong số lượng 6 thang có nhiều giải pháp sử dụng vận hành. Có thể là 6 thang là lên hết cũng có thể có giải pháp khác 3 thang lên một nửa và 3 thang lên 1 nửa còn lại. Cụ thể ở dự án việc vận hành chia làm 2 cụm.

“3 thang đi từ tầng 6 lên tầng 21 và 3 thang đi từ tầng 21 lên tầng 35 chứ không phải chúng tôi làm 3 thang. Khi 3 thang đến tầng 21 thì không mở các cửa trên. Và 3 thang từ tầng 21 lên tầng 35 sẽ không mở ở các tầng khác” – ông Đôn nói.


Thang máy tầng 21 có đầy đủ 6 cửa thang và phím bấm, tuy nhiên các cửa thang máy không hoạt động đồng thời mà chia làm 2 cụm.

“Tại sao chúng tôi lựa chọn giải pháp này. Vì theo tư vấn của phía cung cấp thang máy và kinh nghiệm tại một số toà nhà cao tầng thì việc phân vùng, giải pháp này mang tính ưu việt. Còn việc ưu việt như thế nào chúng tôi không nêu ra ở đây. Ưu việt này có đúng với mọi người không? Chúng tôi khẳng định là không. Bởi vì chẳng có giải pháp nào làm thoả mãn tất cả mọi người” – vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Lạc Hồng giải thích.

Tuy nhiên, đáp lại phần giải thích này của lãnh đạo Công ty Lạc Hồng, cư dân đưa ngay ra hợp đồng và chỉ rõ: “Nói như vậy thì chắc anh Đôn chưa nghiên cứu kỹ hợp đồng. Tôi đang cầm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Trong phụ lục hợp đồng ghi: Về thang máy là thang máy cao cấp gồm có 5 thang khách và 1 thang hàng”.

“Từng hợp đồng của khách hàng đều ghi rất rõ, các tầng đều có đủ 6 cửa thang. Mặt bằng điển hình thể hiện 6 cửa thang mở chứ không bịt kín thang nào. Hợp đồng đã ghi rất rõ từng tầng là bao nhiêu thang” – khách hàng bức xúc.

Ngay trong cuộc họp nhiều cư dân đã “vạch” ra việc đi lại khó khăn không “ưu việt” như lãnh đạo Công ty Lạc Hồng nói. Khách hàng khẳng định chủ đầu tư đã thực hiện không đúng như hợp đồng ký kết và nhấn mạnh yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo đúng hợp đồng và phê duyệt của cơ quan quản lý nhà nước.

“Bây giờ chúng ta làm việc là trên hợp đồng. Bản thân hợp đồng Công ty Lạc Hồng ký với khách hàng là 6 thang máy. Lấy thực tế ngay ở tầng 23 như hiện trạng là chỉ có 3 cửa thang. 3 cửa thang bên kia đã bị bịt kín. Một lần nữa tôi phải đưa lại hợp đồng, nhìn vào hợp đồng tất cả bản vẽ đã được Cục quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) phê duyệt có hết 6 cửa thang. Bản vẽ thể hiện rõ ràng là cửa chứ không phải bê tông” – cư dân khẳng đinh.

Một cư dân hiện đang công tác tại đơn vị về thẩm định thang máy cho hay: Việc phân chia theo zone thang máy không phải là chuyện lạ tại các công trình cao tầng. Tuy nhiên, nếu thực hiện phân zone chủ đầu tư cũng phải thông báo tới khách hàng nhưng chúng tôi hoàn toàn không nhận được bất kỳ thông báo nào về vấn đề này.

“Công ty Lạc Hồng ký hợp đồng như nào đề nghị thực hiện cho khách hàng đúng như vậy. Thang máy là mạch máu của chung cư mà chủ đầu tư cắt xén của cư dân như thế phải có căn cứ, nếu điều chỉnh phải có phê duyệt điều chỉnh” – cư dân thẳng thắn đề nghị.

Trước những ý kiến trên, đại diện chủ đầu tư ông Nguyễn Duy Đôn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Lạc Hồng cho biết sẽ ghi nhận và báo cáo tới lãnh đạo công ty.

Thông tin từ khách hàng cho biết, đến nay sau cuộc họp vào tháng 10 vừa qua, cư dân vẫn không nhận được phản hồi nào từ phía Công ty Lạc Hồng. Nhiều khách hàng tiếp tục có đơn kiến nghị gửi đến chủ đầu tư và một số cơ quan chức năng.

Nêu tại đơn kiến nghị khách hàng cho rằng: Tháng 9 vừa qua, Công ty Lạc Hồng đã có công văn phúc đáp về việc phân chia theo zone của thang máy. Nhưng đó chỉ là những nội dung giải thích cho việc sai phạm trong hợp đồng.

“Đây là hành vi rút tiền của khách hàng trong tòa nhà (ước tính khoảng 1.500 USD/cửa thang, giá tham khảo). Vì vậy, tôi đề nghị Quý Công ty khắc phục, hoàn trả nguyên trạng hạng mục thang máy đúng như thiết kế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các nội dung như Hợp đồng đã ký hoặc trả lại số tiền tạm tính như sau: (34.500.000 VNĐ x 03 cửa thang)/10 căn hộ = 10.350.000 VNĐ” – đơn của khách hàng nêu.

Được biết, hiện khách hàng vẫn chưa nhận được thêm phản hồi nào từ phía chủ đầu tư. Nhiều khách hàng cho hay, họ chưa nhận nhà khi chủ đầu tư không giải quyết các vấn đề và cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc bàn giao căn hộ theo quy định.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet