Thận trọng với các dự án BOT, BT

Cập nhật 08/03/2011 10:15


Ông Nguyễn Ngọc Long
Ảnh: T.Phùng
Khẳng định chủ trương huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng hạ tầng giao thông là đúng đắn, nhưng ông Nguyễn Ngọc Long - phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học và kỹ thuật cầu đường VN - vẫn cảnh báo:

- Khi xây dựng hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông vận tải, theo hình thức BOT(hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) phải hết sức chú ý về hiệu quả xã hội. Đây là những công trình có đặc thù phục vụ trực tiếp, phát huy hiệu quả lợi ích ngay lập tức và cũng có ảnh hưởng xã hội rất rộng rãi.

Ngay khâu giải phóng mặt bằng hay nâng cấp cải tạo con đường cũ đã “động chạm” đến dân, khi làm xong công trình thì nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn, tạo ra hệ thống trạm thu phí, rất dễ dẫn đến những bức xúc. Vì vậy cần cân nhắc thận trọng với các dự án này.

* Thưa ông, đến thời điểm này có thể đánh giá những cái được và chưa được từ các dự án BOT, BT?

- Thực tiễn cho thấy 70-80% dự án BOT hoặc BT về giao thông có quy mô lớn sau một thời gian đã bị biến dạng, không còn là dự án BOT hay BT nữa. Một số dự án quan trọng lại chuyển sang ngân sách của Nhà nước. Có những dự án BOT làm xong rồi nhưng khi cân đối lợi ích giữa nhà đầu tư với chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý nhà nước lại phải thay đổi phương thức.

Điển hình như cầu Bình Triệu là công trình BOT nhưng việc thu phí làm bất tiện cho giao thông ở cửa ngõ TP, rốt cuộc TP.HCM phải mua lại dự án.

Tôi cho rằng cần có tổng kết đánh giá các dự án BOT và BT thời gian qua để tham mưu cho Chính phủ. Có dự án đang triển khai như đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, mới đầu nhà đầu tư đề xuất là BOT nhưng sau lại là thí điểm theo hình thức PPP (Public private partnerships - đầu tư bằng vốn tư nhân, có sự hỗ trợ tài chính và cơ chế chia sẻ rủi ro của Chính phủ) có vốn vay nước ngoài và Nhà nước bảo lãnh. Các tổ chức tài trợ quốc tế muốn cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn nhưng Nhà nước phải bảo lãnh.

* Ông vừa nói phải cân nhắc với dự án BOT, BT. Vậy phải cân nhắc những yếu tố nào?

- Dự án xây dựng khu đô thị thì nhà đầu tư có thể “lấy mỡ nó rán nó” bởi mới phân lô đất đã có người sẵn sàng góp vốn. Còn dự án giao thông phải bỏ tiền thật ngay lập tức để làm được công trình thật rồi mới thu phí hoàn.

Vì vậy đầu tiên phải chọn được nhà đầu tư đích thực, có năng lực về mọi mặt. Cũng không nên chọn một ông nhiều tiền lắm của mà không biết gì về giao thông nhưng làm dự án giao thông.

Thứ hai, các chính sách liên quan đến quản lý khai thác dự án phải nhất quán và có tính chất lâu dài, không thể ngẫu hứng.

Thứ ba là phải giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện dự án. Lý thuyết của các nước về BOT mang vào hướng dẫn cho VN nhấn mạnh một trong những ý nghĩa của BOT là huy động được nguồn vốn và chia sẻ rủi ro về phía nhà đầu tư chứ không phải là Nhà nước.

Nhà đầu tư BOT đã ký hợp đồng thì lời ăn lỗ chịu, vi phạm các yêu cầu, không đáp ứng được điều khoản hợp đồng là phải xử lý.

* Có ý kiến cho rằng với các dự án BOT, nhà đầu tư khai thác hoàn vốn rồi chuyển giao cho Nhà nước nên không chú trọng đến tuổi thọ công trình?

- Khi xét duyệt dự án BOT phải đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững, trong đó có chất lượng công trình. Bởi vì các nhà đầu tư BOT có tâm lý có được công trình một cách nhanh nhất để khai thác, còn chất lượng công trình hoặc các tiêu chí phát triển bền vững không được quan tâm lắm. Đó là một xu hướng cần phải tránh đối với các dự án BOT, tránh tình trạng tiền tu sửa tốn kém bằng tiền đầu tư.

Hai dự án lớn đang được đề xuất

Cuối tháng 2-2011, thường trực UBND TP Hà Nội đã họp xem xét đề xuất xây dựng đường hầm qua sông Hồng theo hình thức hợp BT của Tập đoàn VinGroup và Công ty Trường An (Bộ Quốc phòng). Theo đề xuất của VinGroup, doanh nghiệp này sẽ xây dựng đường hầm và đổi lại sẽ khai thác quỹ đất bờ tả sông Hồng để hoàn vốn đầu tư công trình.

Còn Công ty Trường An đề nghị thực hiện dự án trên cơ sở hợp tác đầu tư cùng bốn đơn vị khác với tổng vốn đầu tư khoảng 12,500 tỉ đồng. Trường An đề nghị được hoàn vốn đầu tư bằng việc khai thác ba dự án gồm khu đất sư đoàn 361 (khoảng 5ha), khu đất thuộc sân bay Gia Lâm (khoảng 100ha), khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, thể thao, vui chơi, giải trí và nhà ở bên bờ sông Hồng (khoảng 150ha)...

Hiện UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo các ban ngành liên quan làm rõ tính khả thi, hiệu quả và sự cần thiết của dự án.

Cuối năm 2010, Công ty cổ phần Vincom đã có đề xuất lên TP Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng đường bộ trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến ngã tư Sở (thuộc vành đai 2) TP Hà Nội theo hình thức BT.

Trong văn bản góp ý về dự án, Bộ GTVT và Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất của Vincom. Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị Hà Nội cần định giá quỹ đất đối ứng một cách minh bạch, khách quan, sát giá thị trường để chống thất thoát.

Dư luận cũng cho rằng động thái của Vincom sẽ làm tăng sức hút cho hai dự án bất động sản của Vincom nằm trên tuyến đường này. Đó là thành phố sinh thái (eco city) nằm trên khu đất của Nhà máy dệt 8-3 gần cầu Vĩnh Tuy và khu đô thị “xanh” Royal City đang được xây dựng trên khu đất của Nhà máy Cơ khí Hà Nội trước đây ở gần ngã tư Sở.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ