“Thả nổi” phí dịch vụ chung cư?

Cập nhật 04/01/2012 09:10

Mới đây, Sở Xây dựng đã đề xuất với UBND TP về việc không ban hành quyết định giá dịch vụ nhà chung cư. Như vậy, sau không ít lần đề xuất và "họp lên họp xuống", TP Hồ Chí Minh đã chọn cách làm riêng.

Né trách nhiệm?

Theo giải thích của lãnh đạo Sở Xây dựng với báo giới, việc ban hành giá dịch vụ nhà chung cư để khống chế mức trần là không phù hợp quy luật thị trường và can thiệp vào một thỏa thuận dân sự. Đặc biệt, "giá sàn" này không thể là chuẩn chung cho mọi chung cư khi mà dịch vụ ở các tòa nhà khác nhau. Ngoài ra, căn cứ pháp lý để xây dựng giá dịch vụ nhà chung cư cũng chưa đầy đủ. Cụ thể: theo khoản 3, điều 7 Luật Nhà ở và Nghị định 71/2010/NĐ-CP quy định: Dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được hưởng các cơ chế như đối với dịch vụ công ích theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nhưng khi rà soát các văn bản do Bộ Tài chính ban hành lại chưa có quy định hướng dẫn nên chưa đủ cơ sở pháp lý để Sở tham mưu cho TP ban hành quyết định giá dịch vụ nhà chung cư.

Việc không ban hành khung giá dịch vụ chung cư có thể gây khó cho người dân.

Sở Xây dựng còn cho biết thêm, từ tháng 3 đến tháng 6-2011 cơ quan này đã điều tra, khảo sát giá dịch vụ tại 50 chung cư trên địa bàn. Kết quả cho thấy mức giá dịch vụ cao nhất là 23.000 đồng/m2/tháng và thấp nhất là 2.000 đồng/m2/tháng. Các khoản thu phổ biến gồm trông giữ xe, thang máy, vệ sinh - điện chiếu sáng các khu sinh hoạt chung, chăm sóc hoa, cây xanh... Ngoài ra, Sở cũng tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp quản lý và vận hành chung cư, ban quản trị của 50 chung cư, kết quả là có hơn 70% doanh nghiệp đều cho rằng việc ban hành giá dịch vụ nhà chung cư (để khống chế mức chi phí trần) theo quy định của Nghị định 71/2010/NĐ-CP là không cần thiết.

Đáng lưu ý là quan điểm trên của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh được đưa ra sau hơn 2 năm Bộ Xây dựng có thông tư giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh, TP quy định mức tối đa (mức giá trần) hoặc khung giá dịch vụ nhà chung cư. Ngày 29-9-2011, UBND TP Hà Nội đã ban hành giá trần dịch vụ chung cư với giá dao động từ 2.400-4.000 đồng/m2/tháng, tùy thuộc chất lượng của tòa nhà. Như vậy, có thể hiểu quan điểm của TP Hồ Chí Minh là "né" trách nhiệm, hoặc Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã không đúng trong vấn đề này, khi mà cùng một vấn đề nhưng cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược nhau. Điều quan trọng nhất là khi có tranh chấp giữa người dân và bên quản lý chung cư thì họ cũng không biết bám vào đâu để thương lượng.

Dân lo bị ép


Trong nhiều năm qua, đã xảy ra hàng chục tranh chấp giữa cư dân và đơn vị quản lý tòa nhà, mà nguyên nhân chính là sự không minh bạch thông tin. Mới đây nhất, vụ khiếu nại tập thể giữa cư dân chung cư Quốc Cường Gia Lai 1 (phường Tân Kiểng, quận 7) với Công ty Đầu tư và phát triển nhà Quốc Cường đã cho thấy điều đó. Người dân cho rằng, cơ sở áp phí 6.000 đồng/m2 là bất hợp lý khi nhiều khoản do nhà đầu tư đưa ra như: thuê bảo vệ, chăm sóc cây xanh… không sát thực tế.

Ví dụ, chi thuê bảo vệ chỉ khoảng dưới 3.000.000 đồng/người/tháng nhưng nhà đầu tư kê là 10.000.000 đồng/người/tháng. Đáng tiếc là tình trạng không minh bạch, áp đặt giá dịch vụ theo lý luận của chủ đầu tư vẫn thường xảy ra.

Bà Lê Thu Hương (cư dân khu Sài Gòn Pearl, quận Bình Thạnh) cho rằng, nếu không có giá sàn người dân có thể bị lép vế khi phía quản lý có muôn vàn lý do để đòi tăng phí dịch vụ. Trong khi đa số các công ty quản lý thường được chủ đầu tư kiểm soát chặt mà không chịu "nhả", trao quyền cho ban quản trị tòa nhà. Do đó, việc họ không muốn TP không ban hành khung giá là điều dễ hiểu.

Có một thực tế khác là hiện nay, việc phân định rõ diện tích chung - riêng trong chung cư, chỗ nào của từng hộ dân và chỗ nào của tất cả hộ dân cũng như chỗ nào của riêng chủ đầu tư; tiếp đến là danh mục các dịch vụ cơ bản bắt buộc phải cung cấp (như thang máy, vệ sinh, rác thải…) và dịch vụ nâng cao... cũng hết sức tù mù. Từ sự không rõ ràng ấy, việc xác định rõ quyền hạn của chủ đầu tư đến đâu, nhất là khi tòa nhà đã đưa vào sử dụng cũng rất rối, khiến sự thỏa thuận về phí dịch vụ giữa cư dân và đơn vị quản lý tòa nhà hết sức phức tạp.

TP Hồ Chí Minh hiện có hàng nghìn khu chung cư và con số này sẽ tăng nhanh trong những năm tới. Trong bối cảnh ấy, đề xuất không ban hành khung giá dịch vụ nhà chung cư của Sở Xây dựng TP làm nhiều người dân lo lắng. Bởi hầu hết các hợp đồng mua - bán nhà với chủ đầu tư hiện nay đều không đề cập mức phí cụ thể và khả năng bị "ép" là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới