Trong khi nhiều người dân tất bật mua sắm, sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón Tết cổ truyền, thì không khí tại các khu tạm cư trên địa bàn TP.HCM với hàng trăm hộ dân sinh sống vẫn bình lặng như thường ngày.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi trở lại khu tạm cư dưới lưới điện cao thế, trên đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh mà báo Thanh Niên đã nêu trong bài viết Những khu tạm cư “cổ” nhất TP.HCM. Những người dân ở đây kể, khi họ mới dọn về tạm cư cùng lời hứa của chính quyền là chỉ ở tạm một thời gian sẽ có nơi tái định cư (TĐC) mới, nên đón cái tết đầu tiên ai cũng chúc nhau “Cầu cho năm nay được an cư!”. Qua hết năm mới, khu TĐC chưa có, mọi người lại động viên nhau "Năm mới có nơi an cư mới" để mà hy vọng. Nhưng đã 10 cái Tết trôi qua, họ cứ hy vọng để rồi thất vọng.
Thêm một cái Tết buồn
“Trong năm 2008, chúng tôi đã mừng muốn phát khóc, tưởng rằng được ăn Tết ở nhà mới khi nghe lãnh đạo thành phố tuyên bố ngày 31.12 sẽ chấm dứt tạm cư. Nhưng chờ mãi, giờ qua năm mới rồi, chúng tôi mới hay đó vẫn chỉ là giấc mơ như bao lần trước!”, bà Võ Thị Ca, ngụ 2C khu tạm cư Nơ Trang Long, buồn rầu nói.
Cùng cảnh ngộ như gia đình bà Ca là hơn 50 hộ dân đang sống trong những căn nhà cấp 4, đúng hơn là những căn phòng ẩm thấp, xiêu vẹo chực sập đổ bất kỳ lúc nào. Hầu hết người dân ở đây đều là dân lao động nghèo, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Trong đó, trường hợp đặc biệt nhất có lẽ là hộ em Nguyễn Phong Trần. Do hoàn cảnh khó khăn, năm 1996 cha mẹ của Trần phải bỏ lại núm ruột để bà ngoại tuổi đã gần 70 chăm sóc, nuôi nấng trong khu tạm cư nghèo khó này. Nay Trần bước vào tuổi 12, nhưng thân hình của em chỉ trạc đứa trẻ 8 tuổi, gương mặt đượm nhiều nét khắc khổ của một người bươn chải. Hằng ngày, em đi lượm đồ cũ, ve chai, kiêm nghề thu gom củi. Mỗi xe củi bán được 25.000 đồng, Trần đem mua gạo để phòng cho những ngày trời mưa gió thất thường em không kiếm được tiền.
Nguyễn Phong Trần cùng bà ngoại
hằng ngày đi thu gom ve chai kiếm
sống - Ảnh: M.Nam
Đến một xóm ở khu tạm cư “cổ” Cù Lao Chà (P.17, Q.Bình Thạnh), chúng tôi nhận thấy khung cảnh còn vắng lặng hơn. Sau hơn 10 năm tạm cư, mấy ngày nay 7 hộ dân ở đây như ngồi trên đống lửa khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng: “Chưa đủ cơ sở pháp lý để giải quyết tiêu chuẩn TĐC, do thất lạc hồ sơ và đang chờ UBND Q.Bình Thạnh xem xét, giải quyết...”. Ngồi cạnh quầy sửa đồng hồ ế khách của gia đình để trước cửa nhà, chị Lê Thị Kim Chi, ngụ 51/24, rầu rĩ: "Nhận được hung tin đó thì còn tinh thần đâu nữa mà ăn Tết. Giờ chúng tôi chỉ mong Tết qua nhanh để còn làm đơn khiếu nại, chứ nếu không sẽ tạm cư dài dài”.
Tương tự, hàng chục hộ dân, chủ yếu bị giải tỏa từ dự án Đại lộ Đông - Tây và cầu Thủ Thiêm đang sống tại khu tạm cư P.An Phú (Q.2) cũng đối mặt với những nỗi lo toan khi Tết đến, xuân về. “Đối với bà con ở đây, Tết cũng như ngày thường, vì đời sống đều khó khăn. Như tôi đây, làm phụ hồ cho các công trình mỗi ngày được 40 ngàn đồng. Cả gia đình bám víu vào đó mà sống qua ngày, thì lấy tiền đâu mà mua sắm ngày Tết”, anh Nguyễn Văn Trọng, ngụ tại khu tạm cư P.An Phú, buồn rầu tâm sự.
...Và tiếp tục hy vọng
Mặc dù thời hạn cuối giải quyết dứt điểm các hộ tạm cư dài hạn trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND TP.HCM là ngày 31.12.2008, nhưng ghi nhận của chúng tôi vào thời điểm cách Tết chỉ còn chưa đầy 2 tuần vẫn còn hàng trăm hộ sống ở các khu tạm cư “cổ”.
Có nhiều nguyên do. Như tại Bình Thạnh, UBND quận cho biết nhiều hộ phải tạm cư dài hạn vì thuộc diện lấn chiếm và không đủ điều kiện để bố trí TĐC, điển hình là 54 hộ dân ở khu tạm cư dưới đường điện cao thế đến nay vẫn chưa “xóa” được vì còn đang chờ thành phố giải quyết chính sách. Tuy vậy, cũng có nguyên do từ sự lúng túng, thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương. "Từ tháng 3.2008, UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành và các quận nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết đối với những trường hợp trên nhưng đến nay đã qua 7 tháng vẫn không thấy gì. Mặc dù việc có khó nhưng cũng phải giải quyết cho người dân chứ không lẽ để người dân tạm cư kéo dài từ năm này sang năm khác", đại biểu HĐND TP Trương Trọng Nghĩa bức xúc.
Ngoài ra, thực tế có một số dự án không TĐC cho dân đúng như cam kết ban đầu. Tình cảnh này đã đưa người dân vào thế phải lựa chọn: hoặc tiếp tục tạm cư để chờ nhận suất TĐC, hoặc phải chấp nhận TĐC ở những nơi xa hơn, chấp nhận đời sống bấp bênh hơn ở nơi xa lạ...
Nhưng đó là chuyện của tương lai, ít nhất cũng là sau Tết. Vì thế, trước mắt để tạo điều kiện cho người dân tạm cư đón Tết cổ truyền dân tộc, Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết đã chỉ đạo các phường nơi có các khu tạm cư phải chăm lo tốt đời sống của không chỉ các hộ tạm cư mà còn đối với các hộ đã được bố trí TĐC có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Hùng, quan điểm của quận là còn khu tạm cư thì con nhếch nhác, do đó, trong năm 2009, quận sẽ đề nghị thành phố sớm có hướng xử lý nhằm giải quyết dứt điểm các trường hợp tạm cư kéo dài. Ông Hùng cam kết quận đủ căn hộ để bố trí TĐC cho các hộ đủ điều kiện đang tạm cư dài hạn. Đối với những hộ dân ở khu tạm cư Cù Lao Chà đủ điều kiện được bố trí TĐC, nhưng đang chờ xây chung cư Trường Sa để TĐC, quận tiếp tục vận động người dân chia sẻ những khó khăn, sớm nhận nơi ở mới khang trang mà quận đã bố trí để an cư, ổn định cuộc sống.
Còn tại Q.2, sự chia sẻ về tinh thần cũng như vật chất của chính quyền, đoàn thể của địa phương khiến người dân tạm cư phần nào vơi đi nỗi buồn. Ông Lê Tấn Bình, Trưởng ban điều hành khu phố 1, P.An Phú, người được giao quản lý khu tạm cư này, tâm sự: "Cứ mỗi độ xuân về, bà con trong khu phố mỗi người một ít, quan tâm, thăm hỏi, tặng quà cho nhau. Bởi ở đây, ai cũng thấu hiểu được nỗi lòng tạm cư của bà con và luôn cầu chúc cho nhau năm mới có chốn an cư, để còn lạc nghiệp chứ!”.
>Khu tạm cư “cổ”
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên